07:08 30/07/2012

Siết chặt quản lý giao thông đường thủy

Theo Cục Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGT-Bộ Công an), công tác quản lý đường thủy của các cơ quan liên quan lỏng lẻo, khiến tình trạng tai nạn đường thủy gia tăng, “bến cóc” phát sinh tràn lan, tạo điều kiện cho nhiều phương tiện ngoài vòng kiểm soát hoạt động. Thực tế này đáng báo động và cần phải siết chặt.

Theo Cục Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGT-Bộ Công an), công tác quản lý đường thủy của các cơ quan liên quan lỏng lẻo, khiến tình trạng tai nạn đường thủy gia tăng, “bến cóc” phát sinh tràn lan, tạo điều kiện cho nhiều phương tiện ngoài vòng kiểm soát hoạt động. Thực tế này đáng báo động và cần phải siết chặt.

 

Báo động đỏ


Gần hai tháng qua, lực lượng CSGT đường thủy đã phát hiện và xử lý trên 16.500 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa; kiến nghị các cơ quan quản lý di dời hàng chục phao tiêu, biển báo hiệu dẫn luồng không phù hợp. Trên tuyến đường thủy nội địa cả nước xảy ra 5 vụ tai nạn, làm chết 5 người, chìm 5 phương tiện, thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Điều đáng nói là nguyên nhân những vụ tai nạn này đều do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc tránh, vượt, gây tai nạn.


Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Phú Thọ kiểm tra việc chở hàng hóa đúng trọng tải của tàu thuyền hoạt động trên sông Lô. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

 

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang hoàn thiện Đề án Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa để trình Bộ GTVT, với mục tiêu đến năm 2015, quản lý đăng kiểm toàn bộ phương tiện thủy hiện nay. Trước mắt, từ năm 2012-2014, ngành Đăng kiểm sẽ tổ chức hệ thống đăng kiểm phương tiện thủy theo hướng phân cấp phù hợp với đặc điểm của địa phương; đánh giá lại đội ngũ nhân lực, đào tạo và chuẩn hóa nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác đăng kiểm; ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống chất lượng ISO vào đánh giá, kiểm tra phương tiện…

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đường thủy các địa phương phối hợp với các lực lượng liên ngành kiểm tra, cũng đã lập biên bản xử lý gần 1.000 bến, bãi, phương tiện chở khách ngang sông và phương tiện nghề cá vi phạm trật tự ATGT đường thủy; lập biên bản đình chỉ, giao chính quyền địa phương quản lý hàng trăm bến, bãi hoạt động không đảm bảo các điều kiện an toàn về người và phương tiện.


Theo thống kê của Cục CSGT đường thủy, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra khoảng 70 vụ tai nạn đường thủy, làm 80 người chết và bị thương. Trong đó có tới hơn 63% số vụ do người lái vi phạm quy định về tránh, vượt; 10% do phương tiện đâm, va chướng ngại vật, còn lại là do phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chở quá tải... Mặc dù lực lượng CSGT đường thủy đã tập trung tuyên truyền các quy định ATGT đường thủy cho hơn 110.000 lượt người; tổ chức cho gần 16.000 lượt chủ bến, phương tiện ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhưng tình trạng không ít chủ phương tiện, bến, bãi đã lợi dụng thời điểm thiếu vắng lực lượng chuyên ngành tuần tra để cố tình vi phạm. Đặc biệt là tình trạng tàu, thuyền đến hạn đăng kiểm, nhưng chủ tàu, lái tàu cố tình trốn tránh, phớt lờ… đã khiến các vi phạm gia tăng.


Bên cạnh đó, theo Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT), cả nước có mạng lưới giao thông thủy dày đặc với 2.360 sông, kênh, rạch, có chiều dài trên 220.000 km, nhưng hiện nay mới chỉ quản lý được khoảng 100 tuyến đường thủy nội địa quốc gia (với chiều dài khoảng trên 6.600 km) và khoảng 10.000 km đường thủy nội địa địa phương. Tuy nhiên, điều đáng nói là công tác quản lý đường thủy tại các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc quản lý những phương tiện, bến bãi hoạt động có đăng ký, cấp phép, còn số “bến cóc” và phương tiện ngoài vòng kiểm soát thì bỏ ngỏ, trong khi “đối tượng” này không ngừng gia tăng, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. “Thậm chí, số phương tiện và bến bãi có đăng ký cũng khó quản, bởi thời gian hoạt động của các chủ phương tiện khiến các lực lượng chuyên ngành không thể kiểm soát 24/24 giờ trong ngày, do nhân lực hiện nay quá mỏng”, một đại diện Cục Đường thủy nội địa cho biết.


Thống kê của Cục CSGT đường thủy cũng cho thấy, cả nước hiện có khoảng 806.000 tàu, thuyền, bình quân mỗi năm tăng từ 6-8%. Trong đó phương tiện thuộc diện phải đăng ký là trên 515.000 chiếc, nhưng hiện mới chỉ có 150.000 chiếc đã đăng ký, tức là chưa đến 29%. Và hiện cũng chỉ có khoảng một nửa số phương tiện đã đăng ký tiến hành đăng kiểm. Với số lượng phương tiện như trên, thì theo quy định phải có tới gần 108.400 người phải có bằng thuyền trưởng để điều khiển phương tiện, nhưng hiện nay mới chỉ có trên 22.000 người có bằng và khoảng 15.000 người có chứng chỉ chuyên môn. Hệ quả là nhiều vụ tai nạn đường thủy xảy ra có nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người điều khiển phương tiện.


Đáng lưu tâm là mặc dù các vụ tai nạn đường thủy vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng trên một đoạn tuyến sông của một địa phương hay tại địa bàn giáp ranh hiện nay, do có nhiều đơn vị cùng quản lý trên cùng đoạn tuyến, gồm: Chính quyền sở tại, CSĐT, Cảng vụ, Đoạn quản lý Đường thủy nội địa, Thanh tra... dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc" và không ai chịu trách nhiệm mỗi khi có sự vụ hay tai nạn xảy ra. Thực tế này không chỉ làm hạn chế khả năng phòng ngừa tai nạn, mà khi tai nạn xảy ra, thì công tác điều tra xử lý cũng gặp nhiều trở ngại.

 

Đẩy mạnh đăng ký, đăng kiểm


“Các địa phương phải kiên quyết đình chỉ hoạt động các cảng, bến, bãi khai thác cát, sỏi, khoáng sản ở sát mố cầu, trụ cầu, trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu, không có phép hoặc có phép, nhưng tiềm ẩn gây nguy cơ cao dẫn đến đâm va vào cầu vượt sông, gây mất an toàn cho cầu”. Đây là nội dung Công văn số 5252/VPCP-KTN (ngày 17/7/2012) truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc gửi Ủy ban ATGT Quốc gia; các Bộ: GTVT, Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Thông tin- Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời để bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi các vi phạm pháp luật về ATGT đường thủy nội địa tại các cảng, bến, điểm neo đậu phương tiện ở khu vực thượng lưu, hạ lưu, gần các công trình cầu vượt sông.

Cục Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm Việt Nam đang phối hợp thực hiện hàng loạt giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, với mục tiêu quản lý được toàn bộ phương tiện thủy vào năm 2014. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là cần sự chung tay, đồng thuận và sự quyết tâm của các địa phương.


Theo kết quả tổng điều tra toàn quốc của ngành đường thủy nội địa, đến thời điểm này, tổng số phương tiện đã đăng ký vào khoảng hơn 150.000 chiếc, tăng 4 lần so với trước đó, nhưng vẫn còn hơn nửa triệu phương tiện khác đang ngoài tầm kiểm soát. Từ năm 2011 đến nay, Cục Đường thủy nội địa đã xây dựng, dự thảo hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, trực tiếp góp phần giảm bớt các thủ tục hành chính, tài chính. Đến nay, theo Cục Đường thủy nội địa, hầu như không thấy các ý kiến phản ánh những vướng mắc về thủ tục hành chính, lệ phí liên quan đến đăng ký phương tiện thủy nội địa. Tuy vậy, số lượng phương tiện thủy đăng ký mới từ năm 2011 đến nay tăng thêm vẫn không đáng kể, nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa chú trọng đến công tác này. Cụ thể, hiện có 28 địa phương ban hành quy định về quản lý phương tiện cỡ nhỏ và tiến hành phân cấp cho đơn vị giao thông cấp dưới thực hiện công tác đăng ký theo quy định. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực và kinh phí để thực hiện quản lý chuyên ngành công tác này.


Mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án Tăng cường công tác đăng ký phương tiện thủy nội địa, với mục tiêu đến hết năm 2014 cơ bản hoàn thành quản lý đăng ký phương tiện thủy hiện có. Đề án tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đăng ký phương tiện thủy; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện theo hướng phân định rõ trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa và các Sở GTVT. Theo đó, trong quý III, quý IV/2012, các Sở GTVT phải có kế hoạch chi tiết về tiến độ triển khai việc quản lý đăng ký phương tiện; tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về việc phân cấp đăng ký phương tiện tại địa phương. Từ quý IV/2012 đến hết quý III/2013, tổ chức các tổ công tác đăng ký phương tiện lưu động để đăng ký cho người dân; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và áp dụng hình thức cưỡng chế đối với các trường hợp trốn tránh thực hiện.

 

Vi phạm chỉ giảm khi có lực lượng kiểm tra

Theo trung tá Đỗ Minh Quang, Đội trưởng Đội thanh tra, kiểm soát giao thông đường thủy số 2, Phòng CSGT đường thủy (Công an TP Hà Nội): Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép tại Hà Nội diễn biến phức tạp trên hai tuyến sông Hồng và sông Đuống, đang kéo theo nhiều vi phạm về trật tự ATGT đường thủy tại địa bàn. Mặc dù lực lượng CSGT đường thủy đã tăng cường tuần tra, xử lý thường xuyên, nhưng vi phạm chỉ giảm khi có lực lượng kiểm tra. Mỗi khi phát hiện thấy tiếng ca nô hoặc tàu tuần tra của CSGT đường thủy là ngay lập tức các thuyền kéo vòi hút cát, chạy trốn sang địa phận giáp ranh. Sau khi lực lượng chuyên ngành rút đi hoặc xử lý ban ngày, các phương tiện hút cát trộm lại lén lút hoạt động về đêm. Nhiều trường hợp bị bắt quả tang khi kiểm tra, xử lý, đối tượng vi phạm không chịu xuất trình giấy tờ, nhảy xuống sông, bỏ mặc thuyền hút cát giữa dòng, gây khó khăn cho CSGT đường thủy. Vì vậy nhiều khi “lực bất tòng tâm”.

 

Mấu chốt quản lý là chính quyền địa phương

Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Đỗ Trung Học cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đăng ký, đăng kiểm đò ngang hạn chế thời gian qua là do chính quyền cơ sở địa phương chưa thực sự thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác quản lý. Nhiều nơi chỉ ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, mà không đề cập đến biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân. Do đó, nhiều chủ phương tiện trốn tránh nghĩa vụ đăng kiểm, trong khi công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đường thủy của cơ quan chức năng nhiều nơi chưa làm quyết liệt, thậm chí có nơi lực lượng chức năng không tiếp cận được chủ phương tiện. Có thể thấy rõ, mấu chốt quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hiện nay là sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tới đây, ngành Đăng kiểm sẽ tổ chức đưa đăng kiểm viên xuống tận địa bàn cơ sở để phối hợp với địa phương giải quyết vấn đề này.

 

Nguyễn Tiến