01:11 24/01/2011

Siết chặt quản lý các điểm trông giữ xe dịp Tết Tân Mão

Số lượng phương tiện tăng chóng mặt, trong khi đất giao thông tĩnh phát triển không theo kịp là điều kiện để các điểm trông giữ xe tư nhân “nở rộ”. Và đã thành thông lệ, mỗi khi Tết đến xuân về, các điểm trông giữ xe lại có cơ hội “chém”.

Số lượng phương tiện tăng chóng mặt, trong khi đất giao thông tĩnh phát triển không theo kịp là điều kiện để các điểm trông giữ xe tư nhân “nở rộ”. Và đã thành thông lệ, mỗi khi Tết đến xuân về, các điểm trông giữ xe lại có cơ hội “chém”.

Còn ít ngày nữa mới đến Tết Tân Mão, nhưng nhiều điểm trông giữ xe đã liên tục “nhảy múa” giá, nhất là những khu vực công cộng, có nhiều điểm vui chơi giải trí. Nhiều điểm trông giữ xe ngay giữa trung tâm thành phố ngang nhiên thu phí giữ xe vượt quy định, mà “thượng đế” vẫn phải ngậm ngùi trả tiền.

Chờ… để “chém”!

Càng gần Tết, lượng xe đổ dồn về các khu vực trung tâm thành phố càng lớn, nhất là vào ban đêm, trong khi diện tích các điểm trông giữ xe hạn chế. Người đến sau hết chỗ, đành lòng vòng tìm các điểm trông giữ xe tư nhân.


Các nhà mặt tiền xung quanh khu vực Hồ Gươm, Cầu Gỗ, Hàng Dầu, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt… ngõ ngách, phố nhỏ trở thành những điểm trông xe tự phát. Cứ đến giờ, chủ nhà có mặt tiền bắt đầu chăng dây, chăng đèn, khoanh vỉa hè trước cửa nhà mình và chờ… khách đến gửi xe.

Tại những điểm trông xe này, giá được niêm yết miệng 5.000 đồng/xe máy/2 tiếng, quá giờ 10.000 đồng/xe máy, luôn vượt xa nhiều lần so với giá quy định của thành phố. Thậm chí, có thời điểm, các điểm trông giữ xe còn “hét” 20.000 đồng/xe máy, mà nhiều “thượng đế” vẫn ngậm ngùi móc túi ra trả. “Không thì biết gửi ở đâu. Thời gian thì hạn hẹp, tranh thủ cho mấy đứa nhỏ đi chơi. Gửi đắt nhưng tiện…” là câu trả lời của nhiều thượng đế.

Các cơ quan chức năng cần dẹp bỏ các điểm trông xe tự phát. Ảnh: Lê Phú


Có thể dễ dàng nhận thấy các điểm trông giữ xe tự phát như trên đang nở rộ, ở bất cứ khu vực nào, tuyến phố nào gần các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố. Biện minh cho việc thu giá cao hơn quy định, các chủ điểm trông xe cho rằng, mức giá thành phố quy định 2.000 đồng/xe máy/ban ngày, 3.000 đồng/xe máy/ban đêm đã có từ năm 2005, nay thì giá nhân công, mặt bằng… đều tăng cao, rủi ro mất xe của khách cũng rất lớn.

Tình trạng các điểm trông giữ xe tùy tiện đưa ra các mức giá khác nhau đã diễn ra nhiều năm nay và không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Việc nhân viên các bãi trông xe mặc sức thét giá đã khiến nhiều người dân bức xúc, nhưng do công tác thanh, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên nên tình trạng trên không hề giảm. Chưa hết, theo quy định của thành phố, việc trông giữ xe được giao cho 5 ngành: Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Chi cục Thuế, các xã, phường và các công ty quản lý bãi trông giữ xe. Tuy nhiên, chính do có tới 5 ngành “giám sát” thành ra “cha chung không ai khóc” và người gửi xe vẫn bị lạm thu như lâu nay.

Siết chặt

Hai năm trở lại đây, để từng bước siết chặt và quản lý việc trông giữ xe, Hà Nội đã thí điểm xây dựng mô hình trông giữ theo hình thức khoán quản. Thời gian đầu, các bãi này thực hiện khá tốt quy định của thành phố. Ngoài việc thu đúng giá theo quy định, nhân viên các bãi xe điểm còn giúp duy trì trật tự vệ sinh hè phố.


Nhưng sau một thời gian lơi lỏng quản lý “cóc lại lên đĩa”, Tết đến, các điểm trông giữ xe khoán quản cũng quay ra “chặt, chém” người gửi xe. Riêng những ngày cận Tết Tân Mão, chỉ cần dạo qua một số địa điểm trên các tuyến phố, khu chợ, thậm chí ngay cả các trường học, bệnh viện… chưa kể các điểm trông xe tự phát mọc lên như nấm sau mưa, đâu đâu cũng thấy cảnh chủ bãi xe thu phí vượt quy định. Không ít điểm, chủ các bãi thu phí tùy tiện đến mức cùng một địa điểm, sáng có thể thu một mức giá, tối lại giá khác.

Nhằm ngăn chặn tình trạng "chặt, chém" tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, TP Hà Nội đã yêu cầu đoàn kiểm tra liên ngành thành phố (Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế…) phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe, xử phạt nghiêm các vi phạm theo quy định, trọng tâm là các điểm tập trung đông người gửi xe trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo đó, Cục Thuế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các chi cục thuế tiếp tục rà soát, kiểm tra xác định mức thuế phải nộp ngân sách của các tổ chức, cá nhân trông giữ xe, xử lý các vi phạm về sử dụng vé không đúng quy định và thu sai mức phí.


Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các tổ chức và cá nhân trông giữ xe tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước và thành phố về trông giữ xe; đồng thời thông tin về các điểm trông giữ xe vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội nếu phát hiện thu phí trông giữ xe vượt giá quy định, sẽ bị xử phạt nghiêm, kết hợp với hình thức nêu tên trên các phương tiện truyền thông cho người dân biết.

Tuy nhiên, có thể thấy một thực tế, công tác quản lý giá vé trông giữ xe hiện nay đang bị buông lỏng. Nhiều giải pháp, quy định đã được đề ra và không rõ đã bao lần thành phố yêu cầu các quận, huyện thực hiện nghiêm việc quản lý trông giữ xe máy, xe đạp, ô tô, nhưng các quy định, giải pháp có thời gian sống quá ngắn và sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy. Chủ các điểm trông giữ xe vẫn “trông mặt mà bắt hình dong” để “chặt, chém”… Không biết đến lúc nào thì hiện tượng lộn xộn, tự ý nâng giá, bắt chẹt người dân gửi xe để tư lợi của những điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội sẽ kết thúc?

Thiếu diện tích, xử phạt nhẹ nên giá vé mặc sức tăng
Phó Ban phụ trách giá (Sở Tài chính Hà Nội), bà Vương Thị Thúy Hằng, cho biết: Mức xử phạt cao nhất hiện nay đối với các cơ sở trông giữ xe vi phạm quy định cũng chỉ lên tới trên 10 triệu đồng. Thêm vào đó, Hà Nội đang quá thiếu diện tích dành cho các bãi trông giữ xe, nhiều nơi đã phải bố trí trông ở dưới lòng đường. Ngoài ra, việc siết chặt quản lý các điểm trông giữ xe thuộc thẩm quyền các quận, huyện, ngành tài chính có vai trò tham mưu về cơ chế, chính sách và phối hợp kiểm tra định kỳ. Lực lượng hạn chế, nên việc kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn.

15.000 đồng/xe máy ngay giữa quận Hoàn Kiếm
Anh Nguyễn Xuân Hùng (Ngọc Khánh, Ba Đình) cho con trai đi mua mũ len ở phố Đinh Liệt kể: Khi anh đến phố Gia Ngư, có mấy người phụ nữ đổ xô ra mời anh gửi xe. Lúc này, bãi giữ xe cũng đã chật cứng. Quên không hỏi giá trước, anh dựng xe, lấy vé và quay đi mua hàng. Khi quay trở lại, chiếc xe của anh đã được dắt lên vỉa hè phía đối diện với bãi gửi xe (góc giao giữa phố Đinh Liệt và Gia Ngư). Khi hỏi giá, anh giật mình vì được thông báo là… 15.000 đồng/xe. Giờ chưa phải là Tết, cũng chẳng phải là ngày lễ! Tại các điểm trông giữ xe phố Cầu Gỗ, Đinh Liệt, Gia Ngư... (quận Hoàn Kiếm), các chủ trông giữ xe nói, mức 15.000 đồng/xe máy đã phổ biến từ lâu và họ coi đó là chuyện đương nhiên(!?)

Điểm trông xe thu giá cao vì cầu lớn hơn cung quá nhiều
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra giao thông Hà Nội cho biết: Các điểm trông giữ xe máy, xe đạp thu giá cao tập trung nhiều nhất hiện nay là ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Việc các bãi gửi xe tự phát của người dân đua nhau mọc ra “chặt, chém” người dân mỗi khi đến lễ, Tết là do cầu lớn hơn cung quá nhiều. Với chức năng của mình, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải chỉ được phép xử phạt các trường hợp trông giữ xe không phép, sai phép. Tới đây, Thanh tra giao thông Hà Nội sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Tài chính tập trung kiểm tra các điểm trông giữ xe thu sai quy định, nhất là các tụ điểm tại các quận nêu trên. Tuy nhiên, muốn giải quyết triệt để vấn đề này thì chính quyền cơ sở phải làm cương quyết.

Nguyễn Tiến