11:17 05/11/2010

Siết chặt cấp phép trong lĩnh vực chứng khoán

Sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.


Chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; dự án Luật Đo lường và Luật Thủ đô.


Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua ngày 26/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Sau hơn 3 năm thực hiện, luật đã có những đóng góp quan trọng làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán và đưa hoạt động chứng khoán từng bước vào khuôn khổ. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh chóng, đã phát sinh thêm nhiều yếu tố mới chưa được đề cập trong luật, đồng thời có một số nội dung của Luật không còn phù hợp với thực tiễn và tiến triển của thị trường. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 136 điều của Luật hiện hành.


Đa số đại biểu đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và cho rằng việc sửa đổi, bổ sung góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, làm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung vẫn còn hạn chế, không thể giải quyết triệt để những bất cập hiện nay đối với thị trường chứng khoán. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ đánh giá lại về phạm vi, quy mô sửa luật, bởi những nội dung sửa chưa giải quyết được hết những vấn đề trong thực tiễn hoạt động chứng khoán hiện nay. Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng nên có tổng kết toàn diện về hoạt động chứng khoán trong thời gian vừa qua để sửa đổi, bổ sung luật, thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.


Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nhận định: Luật chưa đưa lại được cho thị trường chứng khoán sự đột phá, mà chỉ là sự hợp pháp hóa những nội dung các văn bản mà Chính phủ và Bộ Tài chính đã điều chỉnh thị trường này trước đó. Luật cũng mới chỉ ở mức quy định khung, còn lại vẫn cứ giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính quy định cụ thể. Theo đại biểu Thu Hà, luật càng cụ thể càng tốt, những vấn đề gì cụ thể được thì quy định luôn trong luật, tránh tình trạng luật khung, dễ xảy ra hiện tượng ra đời nhiều nghị định, thông tư trái luật và dẫn đến khiếu nại kéo dài.


Một số đại biểu cũng nêu những bất cập hiện đang ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Đó là những năm qua, đã có một số lượng lớn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời, trong đó có không ít công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, khi thị trường biến động gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ quá đơn giản, chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện: Đủ vốn pháp định, có trụ sở và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Theo các đại biểu, quy định như vậy là quá dễ dàng, cần thắt chặt lại điều kiện cấp phép. Dự thảo luật cần bổ sung các điều kiện cấp phép để đảm bảo các công ty có đầy đủ năng lực; đồng thời cân nhắc mức độ để vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động vừa tạo nên sự năng động, hiệu quả cho các công ty.


Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết công nhận kết thúc xây dựng công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất


Báo cáo kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày đã đánh giá: Chủ đầu tư đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các hạng mục công trình của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành xây dựng, chạy thử, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư, bảo đảm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của dự án; công tác quản lý chất lượng trong quá trình thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử, chạy nghiệm thu đã được coi trọng và thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Việt Nam, đáp ứng chuẩn mực quốc tế; các chứng chỉ cho dự án đã được các cấp có thẩm quyền cấp. Hiện còn khoảng 1,5 nghìn tỷ VND đang quyết toán. Dự kiến giá trị quyết toán nằm trong tổng mức đầu tư được duyệt và công tác quyết toán sẽ hoàn thành vào tháng 12/2010. Sau khi hoàn thành, Chính phủ sẽ có báo cáo trình Quốc hội.


Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên dầu khí; doanh thu của nhà máy (kể từ ngày nhận bàn giao) đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 1.400  lao động trực tiếp và  hàng vạn  lao động trong các ngành công  nghiệp…


Báo cáo thẩm tra việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định: Qua báo cáo của Chính phủ và phân tích của các đại biểu tại các hội nghị, hội thảo cho thấy chủ trương đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung nói riêng và góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.


Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với các nội dung đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, nguyên nhân, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế. Đó là: Dự án đã chậm tiến độ 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 của Quốc hội khóa X; giai đoạn trước năm 2005 do chưa được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện một cách quyết liệt, dự toán và phương án huy động nguồn tài chính, lựa chọn nhà thầu liên danh chưa thực sự chuẩn xác. Dù nhà máy đã đưa vào hoạt động với 100% công suất nhưng vẫn còn một số tồn tại nhỏ về kỹ thuật, công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn cần được quan tâm tiếp tục xử lý...


Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về việc công nhận kết thúc xây dựng công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả; khắc phục các vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng và tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.


Bích Thủy-Quỳnh Nga