06:10 08/06/2012

Sĩ tử Trung Quốc vào mùa thi căng thẳng

Kỳ thi đại học năm 2012 ở Trung Quốc được đánh giá là nghiêm nhất từ trước đến nay với sự ra quân của 8 bộ ngành chức năng. Ngoài việc lắp đặt camera tại 94% tổng số phòng thi, thí sinh khi bước vào phòng đều bị kiểm tra nghiêm ngặt bằng máy rà soát như qua cửa an ninh sân bay.

Ngồi bên cổng trường trung học Thực nghiệm nằm ngay cạnh Đại học Sư phạm Bắc Kinh (BNU), một người đàn ông họ Zhao đang trao đổi với vợ về kế hoạch ăn trưa cho cô con gái - hôm 7/6 đã cùng với các bạn đồng môn bước vào kỳ thi đại học, sự kiện vẫn được nhiều người Trung Quốc coi như một bước ngoặt quyết định của cuộc đời.

Lực lượng chức năng địa phương cấm đường trước một điểm thi ở Bắc Kinh. Ảnh Internet.

Để chuẩn bị kỹ càng cho con, vợ chồng anh Zhao đã xin nghỉ làm 3 ngày để đưa con đi thi.

 

Kì thi đại học quốc gia tại Trung Quốc thường được biết tới với cái tên Gaokao, luôn là kỳ thi lớn và căng thẳng bậc nhất, diễn ra vào ngày 7 và 8 của tháng 6 hằng năm trên cả nước. Kỳ thi này bao gồm một chuỗi các bài kiểm tra, được các trường đại học cao đẳng coi là tiêu chí quyết định để tuyển chọn các sinh viên tương lai. Thành phần tham gia kì thi phần lớn là các học sinh năm cuối cấp 3 dù bắt đầu từ năm 2001, bộ giáo dục đã gỡ bỏ quy định về giới hạn lứa tuổi tham dự.

 

Kỳ thi đại học 2012 ở Trung Quốc được đánh giá là nghiêm nhất từ trước đến nay với sự ra quân của 8 bộ ngành như giáo dục, công an, an ninh, các ban ngành địa phương đặt địa điểm trường thi… Có tổng cộng 9,15 triệu thí sinh dự thi trên 7300 trường thi. Ngoài việc lắp đặt camera tại 94% tổng số phòng thi, các cơ quan chức năng nước này còn nghĩ ra nhiều giải pháp mới nhằm ngăn chặn hiện tượng thí sinh quay cóp, tiêu cực trong thi cử. 

Thí sinh bị kiểm tra nghiêm ngặt như tại cửa kiểm soát sân bay. Ảnh Internet.

Thí sinh khi bước vào phòng thi bị kiểm tra nghiêm ngặt bằng máy rà soát như qua cửa an ninh sân bay. Các camera 360 độ được lắp đặt tại hầu hết các phòng thi nhằm không bỏ sót một góc chết nào và nhất cử nhất động của thí sinh và giám thị đều bị ghi lại. Hệ thống camera gắn tại các phòng thi không chỉ gây căng thẳng cho các thí sinh mà còn khá tốn kém cho ngân sách.

 

Ở cổng trường, hàng trăm vị phụ huynh mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chờ đợi giống như anh Zhao. Trong cái nắng tháng 6, họ dùng đủ thứ, miếng bìa, tờ báo, hay mũ để quạt. 

Camera 360 độ được lắp đặt ở hầu như toàn bộ các phòng thi.

Chị Zhang Chunli, làm việc tại một Viện nghiên cứu khoa học, cũng xin nghỉ để “hộ tống” con trai đi thi. Chị chờ đợi bên ngoài và liên tục nhìn đồng hồ. “Con trai tôi học tốt nhưng vẫn lo lắng lắm. Đêm qua nó không ngủ được”, Zhang cho biết.

 

Một chiếc xe ô tô và xe máy của cảnh sát đậu sát vỉa hè của trường nhằm đề phòng tình huống khẩn cấp. Các nhân viên cảnh sát cũng được triển khai dọc con phố, còn cung cấp cả ghế ngồi và ô che nắng cho các vị phụ huynh. Họ cũng mang đến cả cốc giấy, nước uống và thuốc chống say nắng ho những người đang sốt ruột chờ con.

 

Những người làm kinh doanh cũng không bỏ lỡ cơ hội. Các hãng lữ hành và cả câu lạc bộ tennis đều tranh thủ phát tờ rơi quảng cáo với hy vọng, họ sẽ được nhớ tới ngay sau kỳ thi căng thẳng.

Cha mẹ động viên con trước khi bước vào kỳ thi "sống còn".

Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ thi, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã cấm các các hoạt động thi công xây dựng ồn ã kể từ ngày 1 đến 26/6 hằng năm nhằm đảm bảo môi trường yên tĩnh cho các sĩ tử. Các dự án xây dựng nằm trong vòng bán kính 500 mét kể từ thí trường đều phải ngừng hoạt động.

 

Tỉ lệ học sinh đăng ký thi đại học năm nay đã tiếp tục giảm trong năm thứ tư liên tiếp do xu hướng du học nước ngoài. Theo các thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, khoảng 9,15 triệu học sinh đã đăng ký thi tuyển đại học năm nay, giảm 2% so với năm ngoái. Tỉ lệ “chọi” cũng thấp hơn khi chỉ tiêu tuyển sinh tăng gần 3% so với năm 2011.

Bên ngoài thí trường, các nhân viên an ninh liên tục túc trực. Ảnh Internet.

Tuy vậy, áp lực lên các thí sinh vẫn không nhờ thế mà giảm bớt do tâm lý chung của các vị phụ huynh cho rằng, vào đại học là con đường duy nhất để con cái họ thành công trong tương lai. “Chúng tôi và con gái không thể thư giãn được trong một bầu không khí như thế này. Con bé thường xuyên lo lắng, ngay cả trong những lúc đi chơi”, anh Zhao cho biết.

 

Khi ngày thi đầu tiên tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh kết thúc vào 11h30, các vị phụ huynh đã không bỏ lỡ một phút nào, đổ xô lại phía cổng để tìm con và hỏi han về bài thi. Wang Wei, một thí sinh không có cha mẹ chờ đợi, đã rời trường trên một chiếc xe đạp, nở nụ cười nhẹ nhõm. “Tôi cảm thấy thoải mái một chút và tôi nghĩ mình đã làm bài tốt. Tôi hy vọng tôi sẽ làm tốt hơn trong buổi thi ngày mai”, Wang nói.

 

 

Thu Hằng