11:08 10/11/2014

‘Shakespeare’ của văn học Đức

Cứ đến ngày 10-11 hàng năm, những người yêu văn chương trên khắp nước Đức và thế giới lại có dịp tưởng nhớ về Johann Christoph Friedrich Schiller, nhà thơ, nhà viết bi kịch và triết gia nổi tiếng người Đức.

Cứ đến ngày 10-11 hàng năm, những người yêu văn chương trên khắp nước Đức và thế giới lại có dịp tưởng nhớ về Johann Christoph Friedrich Schiller, nhà thơ, nhà viết bi kịch và triết gia nổi tiếng người Đức. Ông được mệnh danh là "Shakespeare của văn học Đức". Friedrich Schiller sinh ngày này cách đây 255 năm, ngày 10/11/1759.


Johann Christoph Friedrich Schiller (1773 - 1805).

Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở thị trấn Marbach, thuộc công quốc Wurtemberg của Đức, năm 1773, Friedrich Schiller vào học tại Học viện quân y để nối nghiệp cha. Tuy nhiên, niềm say mê văn học đã khiến ông dành phần lớn thời gian cho việc đọc và nghiên cứu các tác phẩm của Shakespeare, Voltaire, Rousseau…


Năm 1780, sau khi tốt nghiệp Học viện quân y 1 năm, ông hoàn thành vở kịch đầu tay - “Những tên cướp”. Nhân vật chính trong vở kịch là Karl Moor và Franz Moor, hai anh em ruột nhưng thù nghịch nhau. Karl Moor do bất bình với xã hội nên đã cùng một số bạn bè từ bỏ trường đại học vào trong rừng làm cướp, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Ngược lại với Karl Moor, Franz Moor có giọng của kẻ thống trị, tiêu biểu cho bạo quyền.


Ngay sau khi được công diễn lần đầu ngày 13/1/1782, “Những tên cướp” ngay lập tức đã gây tiếng vang lớn trong đời sống sân khấu Đức thời bấy giờ, vì nhân vật Karl Moor của Schiller dám nói lên yêu cầu cấp bách của thời đại, phản ánh một hệ tư tưởng mới “tràn ngập tinh thần bướng bỉnh và nổi loạn nhằm chống lại toàn bộ xã hội đương thời”.


Tiếp nối thành công của “Những tên cướp”, những năm sau đó, Schiller đã liên tiếp cho ra đời những vở kịch như: “Âm mưu nổi loạn của Fiesco ở Genua”, “Âm mưu và Ái tình”, trong đó vở kịch “Âm mưu và Ái tình” được coi là là vở bi kịch hay nhất của Schiller. Vở kịch tố cáo sự thối nát của chế độ phong kiến Đức lúc bấy giờ, đó là sự khác biệt về đẳng cấp trong xã hội phong kiến: quý tộc và thị dân, đó là việc sử dụng những mưu mô chước quỷ để bước lên bậc thang danh vọng… Sử dụng chất liệu quen thuộc “xung đột trong gia đình” và nâng nó lên thành hiện tượng xã hội, vở kịch được công chúng nhiệt liệt tán thưởng.


Năm 1785, Schiller trở về sống ở Dresden và Jena. Tại đây, Schiller đã cho ra đời bài thơ nổi tiếng “Gửi niềm vui” và được Beethoven phổ nhạc trong Bản giao hưởng số 9. Cũng trong giai đoạn này, Schiller đã hoàn thành một số tác phẩm kinh điển như vở kịch thơ “Don Carlos”, truyện vừa “Kẻ tội phạm bị mất danh dự” và cuốn tiểu thuyết “Người nhìn thấy ma”. Tất cả đều được xuất bản vào năm 1787.


Đến năm 1799, Schiller cùng gia đình chuyển về sống ở Weimar. Trong suốt quãng thời gian sống ở Weimar, ông đã phải chiến đấu không ngừng với bệnh tật và vượt lên tất cả với một nghị lực phi thường. Cũng tại đây, ông đã sáng tác và để lại cho hậu thế những tác phẩm sân khấu vĩ đại, là niềm tự hào của văn học Đức, đó là các tác phẩm: "Wallentens", "Maria Stuart", "Thiếu nữ ở Orlean", trong đó vở kịch 5 hồi "Wihelm Tell" đến nay vẫn là một tác phẩm sân khấu được yêu thích và thường xuyên có mặt trong kịch mục của các nhà hát Đức.


Bản in đầu tiên vở kịch nổi tiếng "Những tên cướp" của Schiller.


Nội dung kịch xoay quanh cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của triều đình Áo. Nhân vật chính trong kịch là Wilhelm Tell - một nhân vật trong truyền thuyết của Thụy Sĩ, người tập hợp được nhân dân Thụy Sĩ nhất tề đồng lòng đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho tổ quốc Thụy Sĩ. Nhận xét về vở kịch này, nhà văn Đức Thomas Mann khẳng định: "Vở kịch về Thụy Sĩ là một tác phẩm tuyệt vời, đơn giản nhưng quí phái và vĩ đại, rất có hiệu quả, rất hoành tráng và hấp dẫn. Mặc dù, đó là câu chuyện ở cuối thế kỷ XIII, nhưng ta lại thấy khí thế của cách mạng Pháp." Schiller qua đời ngày 9/5/1805, tại Weimar, thọ 46 tuổi.


Có thể nói, Schiller chính là người đã dùng nghệ thuật kịch để nâng cao dân trí, óc thẩm mỹ và nhân sinh quan của dân chúng, đem lại cho người Đức một tinh thần ái quốc mạnh mẽ. Ông đưa ra quan niệm rằng, sự vĩ đại của nước Đức không nằm ở “quyền lực chính trị”, mà chính là trong “sức mạnh văn hóa”.


Hầu hết trong các tác phẩm của mình, ông đều rất mạnh tay đả kích các thói rởm đời của tầng lớp quý tộc và trí thức. Ông truyền bá những tư tưởng tự do, dân quyền, khoan dung về tôn giáo và chính trị. Nhờ vậy, thơ, kịch của ông được giới bình dân thuộc nhiều và truyền tụng rộng khắp.


Hiện nay, mỗi khi nhắc đến Schiller, giới yêu văn học Đức thường nhớ về một tài năng đa dạng. Đem cả cuộc đời để phục vụ nghệ thuật, phục vụ cuộc đấu tranh của nhân dân Đức chống lại các thế lực phong kiến thống trị tàn bạo, vì tự do, nhân phẩm, bình đẳng xã hội, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Ông được nhân dân Đức tôn vinh vì đã góp phần quan trọng vun đắp nên ý thức dân tộc và nền văn hóa dân tộc của quốc gia này.


Đánh giá về ông, nhà văn đoạt giải Nobel Thomas Mann đã ca ngợi Schiller là “vị thần của nghệ thuật”, còn đại văn hào Goethe cũng đã hết mực khen ngợi người bạn kém mình 10 tuổi.


 

Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN