05:22 21/05/2015

Sepp Blatter - hỗn loạn hay phát triển?

Dành những lời lẽ nặng nề cho Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, đội trưởng từng dẫn dắt Argentina vô địch World Cup Diego Maradona khẳng định cơ quan lãnh đạo bóng đá thế giới đang rơi vào hỗn loạn dưới quyền điều hành của vị chủ tịch người Thụy Sỹ 79 tuổi.

Dành những lời lẽ nặng nề cho Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, đội trưởng từng dẫn dắt Argentina vô địch World Cup Diego Maradona khẳng định cơ quan lãnh đạo bóng đá thế giới đang rơi vào hỗn loạn dưới quyền điều hành của vị chủ tịch người Thụy Sỹ 79 tuổi.

Sức nóng khi mùa bầu cử đang đến gần

Trong lúc cuộc đua đến ngôi vô địch tại các giải bóng đá hàng đầu châu Âu gần như đã ngã ngũ, thì ở bên ngoài sân cỏ, cuộc đua đến chiếc ghế Chủ tịch FIFA lại đang đến hồi gay cấn.

Đại diện Liên đoàn bóng đá Nam Phi CONMEBOL dành quyền ủng hộ ông Sepp Blatter.Ảnh: AFP


Sức nóng của sự kiện này lại càng tăng lên khi huyền thoại Diego Maradona lên tiếng chỉ trích chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter ở bên lề Diễn đàn Soccerex châu Á vào ngày 18/5. Thời điểm mà cuộc bầu cử người đứng đầu cơ quan quyền lực số 1 của bóng đá thế giới đang đến gần.

Huyền thoại bóng đá người Argentina đã nói: “Nếu ông ấy là một nhà lãnh đạo tốt, tôi đã chẳng có mặt ở đây. Ai cũng biết cơ cấu tổ chức của FIFA hoàn toàn không có quy củ. Mọi chuyện đều do một người quyết định, nhưng ông ta chẳng biết gì cả. Đã đến lúc cần có sự thay đổi. Ông ta đã gây quá nhiều tổn hại cho bóng đá từ khi lên nắm quyền rồi”.

Ngôi sao từng dẫn dắt đội tuyển Argentina đến ngôi vô địch World Cup 1986 đưa ra những phát ngôn này diễn ra trong bối cảnh anh dành sự ủng hộ cho Hoàng tử 39 tuổi người Jordan - Ali Bin Al Hussein, một trong hai ứng cử viên có thể giành quyền chiến thắng. Thêm vào đó, ông là người tỏ ra bất mãn với việc FIFA lựa chọn Nga và Qatar làm chủ nhà của 2 kỳ đại hội bóng đá lớn nhất hành tinh sắp tới.

“Cậu bé Vàng” tiếp tục bày tỏ: “Rõ ràng Blatter đang sợ bị tẩy chay và mất phần chia lợi nhuận. Đó là điều khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi đã tham dự 4 kỳ World Cup (các năm 1982, 1986, 1990 và 1994), tôi biết cảm giác đuổi theo trái bóng là như thế nào. Còn ông ta chỉ biết chạy theo những ly champagne mà thôi”.


Khả năng tái đắc cử lần thứ 4

Trong khi đó, trong một cuộc chạy đua chính thức, Liên đoàn bóng đá châu Phi đã lên tiếng ủng hộ đương kim chủ tịch FIFA. Sepp Blatter làm Chủ tịch FIFA từ năm 1998 và sau đó là 3 lần tái đắc cử vào các năm 2002, 2007 và 2011.

Ở tuổi 79, ông Sepp Blatter vẫn nỗ lực chạy đua cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nhưng 3 đối thủ còn lại của ông cũng là những ứng cử viên sáng giá. Họ bao gồm hoàng tử Ali bin Al-Hussein (39 tuổi) của Jordan - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Jordan, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Hà Lan Michael van Praag (67 tuổi) và cựu cầu thủ Luis Figo (42 tuổi).

Liên đoàn Bóng đá châu Phi đã lựa chọn ông Blatter để ủng hộ dựa trên sự hỗ trợ của đương kim Chủ tịch FIFA dành cho châu Phi và châu Á. Nếu xét về những gì ông đã làm được cho những mảnh đất được coi là còn khó khăn này, khả năng tái đắc cử của Blatter thêm một nhiệm kỳ nữa là rất rõ ràng.

Blatter được chính cựu Chủ tịch Joao Havelange (người Brazil), Chủ tịch FIFA giai đoạn 1974 - 1998 giới thiệu. Bản thân Havelange lựa chọn người kế nhiệm cho mình cũng dựa trên mong muốn đưa thêm hỗ trợ phát triển cho những vùng đất còn nhiều khó khăn. Với mong muốn này, ông cho phép tất cả các nước thuộc FIFA đều có quyền có phiếu bầu. Đảo Cook với 15.000 dân cũng có một phiếu bầu chủ tịch giống như Đức hay Mỹ. Theo đó, chủ tịch mới sẽ được 209 quốc gia bầu. Trong thời đại của ông Blatter, lợi nhuận mà FIFA thu được từ các hoạt động bóng đá ngày càng tăng thêm và vì thế số tiền dành cho bóng đá ở các vùng ít phát triển ngày càng lớn.

Nếu năm 1989, lợi nhuận của FIFA chỉ vào khoảng 7 triệu USD thì World Cup 2002, khoản lợi nhuận mà FIFA có được là 963 triệu USD. Năm 2014, con số này là 5,7 tỷ USD. 72% số doanh thu này được FIFA đưa vào đầu tư trở lại cho bóng đá, trong đó có cả phát triển cơ sở hạ tầng. Những đất nước còn chậm phát triển đã được xây dựng sân bóng, đủ để phát triển đội bóng quốc gia hay làm mạnh hơn giải bóng đá trong nước.

Năm 1974, World Cup tại Đức chỉ bao gồm 16 đội. 9 đội thuộc châu Âu, 4 đội Nam Mỹ còn lại là các đội Haiti, Australia và Cameroon. World Cup 40 năm sau có gấp đôi số đội tuyển tham dự. Nhưng quan trọng hơn là tương quan bóng đá giữa các châu lục đã được kéo gần lại. Trong số 32 đội tuyển, châu Âu và Nam Mỹ chỉ tăng gấp rưỡi số đội tuyển so với trước (châu Âu 13 đội, Nam Mỹ 6 đội bao gồm cả nước chủ nhà Brazil). Trong khi đó, châu Phi góp 5 thành viên, châu Á góp 4 (bao gồm cả Australia), 4 thành viên của phần còn lại của châu Mỹ.

Càng phát triển thì FIFA hay nói đúng hơn Blatter lại càng bị nhiều cáo buộc. Nhiều chỉ trích cho rằng việc đưa tiền về “vùng trũng” là một cách làm đầy “túi riêng” của vị chủ tịch do nạn tham nhũng ở những đất nước còn khó khăn về kinh tế là rất lớn. Để đối phó với những cáo buộc này, FIFA quản lý dòng tiền bằng cách mỗi năm chỉ chi trực tiếp 250.000 USD cho mỗi quốc gia thành viên. Đây cũng là cách các ứng viên chức chủ tịch còn lại tận dụng làm cương lĩnh tranh cử của mình. Van Praag tuyên bố tăng gấp 4 lần nguồn tiền phân bổ, Figo hứa hẹn dành 2,5 tỷ USD cho các quốc gia thành viên trong nhiệm kỳ 4 năm. Hoàng tử Ali thì tuyên bố: “Không liên đoàn quốc gia nào được phép đánh cắp tiền của FIFA”.

Tiếp đó, để chiều lòng châu Âu, các ứng viên mới còn hứa hẹn sẽ tăng số đội tuyển tham dự World Cup khi Tổng thư ký UEFA Gianni Infantino than phiền là châu Âu có 19 trong số danh sách 32 đội bóng hàng đầu châu Âu nhưng lại chỉ có 14 đội (bao gồm cả chủ nhà Nga) được quyền tham dự World Cup 2018.

FIFA có những thành công nhưng cũng có những lùm xùm riêng của nó. Hối lộ, biển thủ công quỹ, tham nhũng hay những câu chuyện nội bộ cho đến giờ vẫn chưa tìm ra hồi kết. Ngày 29/5 tới, một giai đoạn mới của FIFA sẽ được định đoạt.

Minh Đăng