09:00 20/09/2011

Sẽ siết chặt những vi phạm bản quyền trong khối doanh nghiệp

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ (trong đó, quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm là một trong lĩnh vực được đặc biệt quan tâm) ngày càng đòi hỏi được coi trọng, thậm chí được xem như “điều kiện” để lựa chọn đối tác kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ (trong đó, quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm là một trong lĩnh vực được đặc biệt quan tâm) ngày càng đòi hỏi được coi trọng, thậm chí được xem như “điều kiện” để lựa chọn đối tác kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, xem ra tại Việt Nam, sự tôn trọng với quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa thực sự được các doanh nghiệp hiểu và chấp hành đầy đủ. Bằng chứng là mỗi lần thanh tra vào cuộc, thì lại là một lần vi phạm được phát hiện...

Thanh tra tại Công ty ROSSANO.


Đợt thanh kiểm tra về việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực phần mềm vừa qua của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công an) tiến hành tại hàng loạt các công ty tại các khu chế xuất và công nghiệp đã phát hiện hàng loạt vi phạm. Trong đợt kiểm tra này, Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện rất nhiều các phần mềm vi phạm tại Công ty cổ phần ROSSANO Việt Nam, công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Xinhgapo), chuyên sản xuất đồ trang trí nội thất cao cấp, có địa chỉ tại lô 10, đường 1, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM.

Cụ thể, kiểm tra 31 máy tính của công ty, ngoài các phần mềm đã được mua bản quyền, Đoàn thanh tra liên ngành đã tìm thấy rất nhiều các phần mềm sao chép như AutoCAD, LacViet MTD 2002, Acrobat, Corel Draw, Window XP và Window Office. Đại diện Công ty ROSSANO đã ký vào Biên bản thanh tra thừa nhận hành vi sao chép các phần mềm máy tính trên không có bản quyền là vi phạm pháp luật. Đoàn thanh tra liên ngành cũng yêu cầu Công ty ROSSANO chấm dứt hành vi vi phạm, dỡ bỏ toàn bộ các phần mềm máy tính không có bản quyền và làm việc với chủ sở hữu để hợp thức hóa bằng các phần mềm có bản quyền.

Phát biểu với báo chí sau đợt thanh tra này, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó có bản quyền phần mềm. Bởi vậy, nằm trong chiến dịch lâu dài chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm, năm 2011, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ pháp luật về quyền tác giả phần mềm tại các doanh nghiệp. Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật”.

Được biết, không chỉ đối mặt với những quy định xử phạt trong nước, giờ đây những doanh nghiệp vi phạm bản quyền còn phải đối mặt với một quy định mới mà một số nước đã đưa ra. Cụ thể là các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo ông Vũ Xuân Thành, thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, kể từ ngày 1/8, một số bang của Mỹ bắt đầu áp dụng đạo luật vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ có vi phạm về bản quyền. Theo đạo luật này, hàng hóa của doanh nghiệp có vi phạm về bản quyền sẽ không được bán tại thị trường Mỹ.

Hành vi vi phạm bản quyền được xét ở khâu sản xuất trực tiếp lẫn khâu phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm. Như vậy, theo đạo luật này thì các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, giày, nhựa, nội thất... nếu sử dụng các phần mềm sao chép để cài vào máy tính phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các sản phẩm hoàn chỉnh của họ cũng bị coi là sản phẩm vi phạm bản quyền và cấm xuất khẩu sang Mỹ. Đạo luật nêu rõ, doanh nghiệp Mỹ muốn nhập khẩu hàng hóa phải yêu cầu đối tác nước ngoài gửi thư bảo đảm cam kết không có vi phạm bản quyền. Nếu đối tác có vi phạm bản quyền, doanh nghiệp Mỹ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhập khẩu mà không bị xem là vi phạm hợp đồng. Như vậy, đạo luật này đã đặt các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn làm ăn bền vững với các doanh nghiệp tại thị trường Mỹ buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quyền sở hữu trí tuệ phần mềm, không cài đặt các phần mềm sao chép trong các máy tính phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một lần nữa, đạo luật này cũng là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp tại Việt Nam cần nâng cao hơn nữa ý thức tôn trọng quyền SHTT. Chỉ khi các doanh nghiệp xác định, phần mềm cũng giống như phần cứng, khi muốn sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty thì phải mua từ chủ sở hữu mới được phép sử dụng thì tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm trong các doanh nghiệp mới có thể chấm dứt được. Tuy vậy, trong nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, quyền SHTT không chỉ được Chính phủ Việt Nam bảo hộ theo cam kết quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn bước chân vào thị trường quốc tế thì cam kết tôn trọng bản quyền là một điều không thể thiếu.

Bài và ảnh: Anh Minh