04:07 18/04/2015

Sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề chất lượng khám chữa bệnh sẽ ra sao nếu tính đủ các chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá dịch vụ y tế trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề chất lượng khám chữa bệnh sẽ ra sao nếu tính đủ các chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá dịch vụ y tế trong thời gian tới.

*Liệu chất lượng dịch vụ y tế và thái độ phục vụ bệnh nhân có tăng khi viện phí tiếp tục tăng không, thưa ông?

Việc điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng tính đủ, trong đó có tiền lương, chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc người dân hiểu trong viện phí đã bao gồm cả tiền lương cũng sẽ là một sức ép lớn, đòi hỏi cán bộ, nhân viên y tế thay đổi nhận thức và thái độ phục vụ người bệnh.

Khoa khám bệnh - Viện tim mạch đón tiếp người bệnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Mặt khác, khi giá dịch vụ được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, bệnh viện sẽ có điều kiện tuyển dụng viên chức theo đúng định mức nhân lực. Khi đó, người bệnh sẽ được phục vụ tốt hơn vì bệnh viện có nhiều nhân lực hơn so với hiện nay. Đồng thời, các bệnh viện cũng có điều kiện hơn trong việc mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao, tăng chất lượng dịch vụ y tế. Đặc biệt, giá viện phí tính đủ chi phí, người bệnh không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá (các BV tự thu thêm - PV) và cũng sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng dịch vụ này và được BHYT thanh toán. Như vậy, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT sẽ tăng lên, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.

* Thưa ông, việc tăng viện phí lần này có ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội không?

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế về cơ bản không làm ảnh hưởng đến khoảng 23,7 triệu người thuộc đối tượng chính sách xã hội; trong đó có 14,7 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng; khoảng gần 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi. Theo Luật BHYT sửa đổi, từ ngày 1/1/2015, những đối tượng trên khi đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT thanh toán 100% viện phí.

Đối với người cận nghèo, mức độ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không nhiều. Bởi đối tượng này đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Hiện nay, khoảng 40% người cận nghèo đã có thẻ BHYT. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA hỗ trợ thêm chi phí mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, nhằm phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT. Bên cạnh đó, khi đi khám, chữa bệnh, người cận nghèo được BHYT thanh toán 95% chi phí, nghĩa là chỉ phải đồng chi trả 5% viện phí (trước 1/1/2015, chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20% viện phí).

* Nhưng việc điều chỉnh này ắt sẽ ảnh hưởng đến những đối tượng cùng chi trả 20% viện phí (như công nhân viên chức) và sẽ khó khăn hơn gấp bội đối với những người chưa có thẻ BHYT nếu chẳng may ốm đau? Vậy có sự hỗ trợ nào đối với những đối tượng này không, thưa ông?

Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Bởi vì, nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí nhưng nay, khi được tính đủ sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Mặt khác, từ ngày 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, nếu số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Hiện nay, để hạn chế tác động đối với người bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá thẻ BHYT cho người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, giảm mức đóng BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các tỉnh đã và đang thành lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo để hỗ trợ trường hợp bệnh nặng, chi phí điều trị lớn.

Nhìn chung, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các đối tượng không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đi khám, chữa bệnh (khoảng 27 triệu người, tương đương 30% dân số). Tuy nhiên, việc tính đúng, tính đủ sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT; người dân cần thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua thẻ nhưng khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro. Tiến tới, Nhà nước sẽ chuyển một phần ngân sách cấp cho các bệnh viện hiện nay sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT; như vậy, sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn.

* Xin cảm ơn ông!


Phương Liên - Đan Phương