11:23 13/11/2012

Sẽ đối thoại với dân về xử lý chất thải rắn tại Khu kinh tế Dung Quất

Tối 13/11, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn, Công ty cổ phần Cơ điện - Môi trường Lilama tổ chức Họp báo chuyên đề “Vấn đề liên quan đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại Khu kinh tế Dung Quất”.

Tối 13/11, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn, Công ty cổ phần Cơ điện - Môi trường Lilama tổ chức Họp báo chuyên đề “Vấn đề liên quan đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại Khu kinh tế Dung Quất”.


Tại buổi họp báo, đại diện UBND huyện Bình Sơn đã thông báo vấn đề liên quan đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất. Khu xử lý chất thải rắn KKT Dung Quất (giai đoạn 1), được Chính phủ phê duyệt trên 12 ha tại địa bàn xã Bình Nguyên giao cho Ban quản lý KKT Dung Quất làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng và hoàn thành đưa vào vận hành tháng 4/2007.

 

Đến đầu năm 2008, Công ty cổ phần Cơ điện - Môi trường Lilama đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép tiếp nhận Khu xử lý chất thải rắn KKT Dung Quất và đầu tư giai đoạn 2 với nguồn vốn gần 200 tỷ đồng. Ban quản lý KKT Dung Quất đã cấp phép đầu tư cho Công ty Lilama.


Dự án có công suất từ 50-100 tấn/ngày đối với rác thải sinh hoạt, 25.000 tấn/năm đối với chất thải công nghiệp và 30.000 tấn/năm đối với chất thải nguy hại. Công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt được chôn lấp thông thường; xử lý nước rỉ rác theo công nghệ sinh-hóa-lý kết hợp, công suất 24 m3/ngày; tiêu chuẩn nước thải đầu ra đạt cột B theo tiêu chuẩn Việt Nam. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại được xử lý bằng lò đốt hai cấp, nhiệt độ 1.100 độ C.


Tuy nhiên, mới đây sau khi tiến hành các thủ tục xin cấp phép xả thải nước rỉ rác sau khi xử lý ra hồ Hàm Rồng, xã Bình Chánh, nhiều hộ dân địa phương đã phản ứng vì lo ngại ô nhiễm đến môi trường nguồn nước hồ Hàm Rồng.


Để giải quyết bức xúc cho người dân xã Bình Chánh, UBND huyện Bình Sơn sẽ tổ chức đối thoại với nhân dân địa phương xã Bình Nguyên và Bình Chánh. Huyện Bình Sơn cũng yêu cầu Công ty cổ phần Cơ điện - môi trường Lilama phải xây dựng hồ trung gian trước khi xả ra hồ Hàm Rồng, giao cho địa phương quản lý, đồng thời tạo điều kiện giải quyết việc làm cho những hộ dân trong vùng.


Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường và Ban quản lý KKT Dung Quất cho rằng, qua kiểm tra mẫu nước ở đầu ra tại Khu xử lý chất thải rắn KKT Dung Quất tại xã Bình Nguyên, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn cho phép theo cột B1 và B quy chuẩn Việt Nam. Do vậy, nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn xả ra hồ Hàm Rồng sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo vệ tài nguyên nước của vùng xả thải.

 


Nguyễn Đăng Lâm