04:16 24/04/2011

Sẽ di dời hai ngôi mộ cổ về Bảo tàng Hà Nội

Bảo tàng Hà Nội vừa mời Hội đồng khoa học là những chuyên gia đầu ngành khảo cổ tới hiện trường để nghe PGS.TS Nguyễn Lân Cường trình bày về quá trình khai quật, lắng nghe ý kiến phản biện, đồng thời đề xuất phương án bảo tồn, di dời hai ngôi mộ cổ và giếng cổ về Bảo tàng Hà Nội.

Bảo tàng Hà Nội vừa mời Hội đồng khoa học là những chuyên gia đầu ngành khảo cổ tới hiện trường để nghe PGS.TS Nguyễn Lân Cường trình bày về quá trình khai quật, lắng nghe ý kiến phản biện, đồng thời đề xuất phương án bảo tồn, di dời hai ngôi mộ cổ và giếng cổ về Bảo tàng Hà Nội.

Các nhà khoa học khảo sát và thảo luận ngay tại hiện trường.

Quyết định phương án di dời

Sau khi xem xét hai ngôi mộ cổ và giếng cổ, các nhà khoa học, chuyên viên Bảo tàng Hà Nội và lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Nội hội ý ngay tại hiện trường. Các nhà khoa học đều đưa ra các ý kiến xung quanh giá trị khoa học, cân nhắc 3 phương án mà PGS.TS Nguyễn Lân Cường đề xuất gồm: Khoanh vùng, lập khu trưng bày; Di dời về bảo tàng; Lấp lại 2 ngôi mộ để bảo tồn. Ngoài vấn đề kinh phí, các nhà khoa học như Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân, Phạm Như Hổ… đều cho rằng việc bảo tồn các hiện vật khảo cổ đang là một khó khăn lớn về kỹ thuật cũng như kinh phí.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, ông đã làm việc với lãnh đạo khu đô thị Ciputra và họ nhất trí hỗ trợ di dời. Tuy nhiên, khu vực khai quật là đất dự án của Thành phố nên cần có ý kiến của lãnh đạo Thành phố. Sau khi cân nhắc các điều kiện về kinh phí, kỹ thuật, điều kiện bảo tồn, các nhà nhà khoa học thống nhất phương án di dời: Với giếng cổ, do độ sâu phần khai quật là 5,1m (nếu cộng 1,4 m do bị máy xúc bạt thì tổng độ sâu của giếng là 6,5m) nên sẽ cắt thành 4 đoạn để mang về bảo tàng. Đối với 2 ngôi mộ cổ sẽ đánh số từng viên gạch, vẽ chi tiết, sau đó dỡ ra đem về bảo tàng. Nếu thực sự hai ngôi mộ cổ này có giá trị khoa học cao sẽ tiến hành phục dựng lại sau theo chi tiết từng viên gạch đã được đánh số. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, dựa trên ý kiến của các nhà khoa học, ngay đầu tuần, đơn vị sẽ có báo cáo gửi UBND thành phố để xin quyết định chính thức.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, để di dời được giếng cổ sẽ phải đào rộng 1 phần xung quanh để đưa thiết bị, vật liệu vào đúng vị trí. Với độ sâu 5,1 m, phương án sẽ cắt làm 4 đoạn. Cứ đào được 1/4 chiều sâu sẽ đục ngang và luồn sắt vào làm giá đỡ, nẹp sắt và vật liệu xốp cố định bên trong và ngoài thành giếng rồi cắt ngang, nhấc lên chuyển về bảo tàng. Chi phí di dời giếng cổ khoảng 200 triệu đồng. “Với mộ cổ, ngay thứ hai này, chúng tôi sẽ chụp ảnh chi tiết, đánh số từng viên gạch để tháo dỡ và sau này nếu phục dựng lại theo đúng nguyên mẫu”.- ông Cường nhấn mạnh:

Chủ nhân mộ là ai?

Các nhà khoa học khảo cổ cho rằng, với những hoạ tiết trên gạch và kiểu mộ quách, có thể khẳng định đây là mộ thời Hán (thế kỷ thứ 4- thứ 6). Tuy nhiên, chủ nhân ngôi mộ này là ai còn nhiều ý kiến trái chiều.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường định lượng rằng: 95% ngôi mộ này là của quan lại người Hán, bởi chỉ có tầng lớp này mới đủ tiền của để xây dựng ngôi mộ này; chỉ 5% là của người Việt giàu có. Tuy nhiên một số nhà khoa học cho rằng khó mà định lượng được chủ nhân cụ thể của ngôi mộ này là ai mà chỉ có thể phân chia thành 3 đối tượng: Quan lại người Hán; thương gia (người Việt, người Hán); người Việt giàu có.

Dù chủ nhân ngôi mộ này là ai nhưng các nhà khoa học đều chung nhận định: Vật liệu, nhân công để xây ngôi mộ này đều là người bản địa Việt Nam. Một số ký hiệu trên viên gạch có thể là đúc cùng một khuôn và đó là ký hiệu của xưởng đúc gạch. Ngoài ra, bình gốm cổ có hình đầu gà không tinh xảo như bên Trung Quốc nên có thể được làm tại Việt Nam

Với kinh nghiệm khai quật hàng trăm ngôi mộ Hán, ông Phạm Như Hồ, nguyên cán bộ Viện khảo cổ, kiểu mộ Hán không hiếm ở Việt Nam, nhiều nơi từng phát hiện mộ Hán tại Quảng Ninh, Hải Dương… nhiều ngôi còn có quy mô hơn cặp mộ này. Có điểm đáng chú ý là những ngôi mộ Hán bằng gạch này thường không có xương cốt bên trong; khi những ngôi mộ đất thì vẫn còn xương cốt, quan tài, đồ tuỳ táng…

Việc phát hiện giếng cổ trong khu vực cũng được các nhà khoa học nhận định xung quanh đây có khu dân cư và nếu thám sát rộng xung quanh sẽ còn phát hiện nhiều hiện vật cổ. Với cấu trúc giếng như trên thì đây có thể trụ sở đơn vị hành chính cai quản vùng này. PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, đáy giếng cổ được lót bằng những tấm gỗ nhưng không thấy có nước dù tổng độ sâu của giếng cổ là 6,5m (cả phần bị bạt). Để xác định niên đại chính xác của giếng, ông dự định sẽ đưa mẫu gỗ ở đáy làm xét nghiệm đồng vị C14. “Với việc lấy ý kiến của các nhà khoa học, đây sẽ là cơ sở để Bảo tàng Hà Nội, Sở VHTTDL Hà Nội báo cáo lên cấp có thẩm quyền để khi có ý kiến của lãnh đạo TP Hà Nội, đầu tuần này (từ 25/4), việc di dời hai ngôi mộ cổ và giếng cổ sẽ được tiến hành. Vào tháng 9 tới, tôi cũng sẽ có báo cáo khoa học đầy đủ, chi tiết về hai ngôi mộ cổ, giếng cổ này”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết.

Xuân Cường