11:06 05/11/2014

SCG: Mô hình sản xuất “xanh” hướng tới bền vững

Trên 40 đại sứ sinh viên từ Dự án “SCG- Chung ước mơ xanh” vừa đến thăm Nhà máy giấy Vina Kraft tại tỉnh Bình Dương- một trong những mô hình sản xuất bền vững nổi bật của SCG.

Trên 40 đại sứ sinh viên từ Dự án “SCG- Chung ước mơ xanh” vừa đến thăm Nhà máy giấy Vina Kraft tại tỉnh Bình Dương- một trong những mô hình sản xuất bền vững nổi bật của SCG. SCG là tập đoàn hoạt động đa ngành (một trong những tập đoàn hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á) kinh doanh chủ yếu ở ba lĩnh vực chính: Hóa dầu (SCG Chemicals), giấy (SCG Paper), xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement - Building Materials).

Chuyến tham quan thực tế một ngày của các sinh viên do SCG tổ chức nhằm trang bị cho các em những hiểu biết về cách bảo vệ môi trường của một doanh nghiệp và những trải nghiệm thú vị về quy trình sản xuất “xanh”. “SCG - Chung ước mơ xanh” là chương trình nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường do SCG và Báo Mực Tím phát động từ năm 2013. Năm nay với Chủ đề “Biến đổi khí hậu”, các em đã được lựa chọn để tham gia các hoạt động kéo dài từ tháng 8 - 12/2014. Chuyến thăm Nhà máy giấy Vina Kraft là một trong những trải nghiệm thú vị đầu tiên của các bạn trẻ khi được tiếp xúc với mô hình hoạt động thực tế, hiểu lợi ích của sự phát triển bền vững.

Đại diện những đại sứ sinh viên từ Dự án “SCG- Chung ước mơ xanh”.

Lãnh đạo SCG cho biết: Tại Nhà máy Vina Kraft, nguyên tắc 3G (Green Product - Sản phẩm xanh, Green Process - Qui trình xanh và Green Heart - Suy nghĩ xanh) đã được triển khai sâu rộng nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Sản phẩm “xanh” là những sản phẩm được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, ít tác động đến môi trường trong và sau khi sử dụng cho tới lúc tái chế. Nguyên tắc “xanh” quy định mỗi quy trình sản xuất đều phải thể hiện trách nhiệm với xã hội và môi trường, sử dụng hợp lý nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, có mức độ tái chế cao và quản lý hiệu quả chất thải từ sản phẩm và hoạt động sản xuất. Ở Nhà máy Vina Kraft Paper, các công nghệ hiện đại được sử dụng để giảm thiểu hiệu quả mức tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, một hệ thống xử lý nước thải giúp nhà máy tái chế và giảm lượng nước thải và mức tiêu thụ nước sạch.

“SCG tin vào giá trị của cá nhân. Mỗi cá nhân có thể giúp thay đổi cả cộng đồng thông qua thái độ tích cực và sức mạnh của ý chí. Chúng tôi hy vọng: Các em sinh viên sẽ nhận được những lợi ích tích cực từ Dự án “Chung ước mơ xanh” để trở thành những đại sứ giỏi trong tương lai, giúp kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng”, ông Phira Kulkattimas, Giám đốc Nhân sự Quốc tế - SCG Việt Nam nói.

Theo ông Prakorb Pikulkarntalerd, Giám đốc Công ty giấy Vina Kraft, sản xuất giấy là một trong những ngành có khả năng gây tác động đối với môi trường do đòi hỏi một lượng tài nguyên lớn. “Tại SCG, chúng tôi luôn coi trọng việc theo đuổi phát triển bền vững về kinh tế, môi trường lẫn xã hội. Chúng tôi cam kết không ngừng đóng góp cho sự bền vững của môi trường bằng cách làm xanh hơn các cơ sở sản xuất, từ đó có thể bảo tồn môi trường sống cho các thế hệ tiếp theo của Việt Nam”, ông Prakorb Pikulkarntalerd nói.

Tập đoàn SCG hiện có hơn 200 công ty con cùng 49.000 nhân viên. Đặc biệt, SCG luôn chú trọng không ngừng cải tiến nhằm tăng thêm giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai của người tiêu dùng. SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 với 19 công ty, tổng giá trị tài sản hơn 615 triệu USD và trên 6.500 nhân viên Việt Nam. Chính sách SCG về phát triển bền vững dựa trên các nguyên tắc được quốc tế công nhận đối với tiêu chí quản trị doanh nghiệp minh bạch bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức, SCG đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững từ năm 1995 - bộ phận chịu trách nhiệm ban hành các chỉ tiêu và hướng dẫn thực hiện cho các công ty con trong tập đoàn.

MP