06:06 21/06/2014

Say “nghiệp viết” vùng biên

Khi nói đến vùng cao, biên giới là nghĩ đến khó khăn: núi nối núi, rừng nối rừng, nắng và gió, địa bàn rộng, giao thông cách trở. Làm báo nơi gian khó này, mỗi phóng viên với lòng say nghiệp, trăn trở với nghề, đã được thử thách, tôi luyện và trưởng thành.

Khi nói đến vùng cao, biên giới là nghĩ đến khó khăn: núi nối núi, rừng nối rừng, nắng và gió, địa bàn rộng, giao thông cách trở. Làm báo nơi gian khó này, mỗi phóng viên với lòng say nghiệp, trăn trở với nghề, đã được thử thách, tôi luyện và trưởng thành.

Gian khó mới dễ trải lòng

Ba năm làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Thường trú tại tỉnh Lào Cai, Nguyễn Văn Thắng, 30 tuổi, quê Hải Dương nhìn như một “trưởng bản” của núi rừng với màu da đen sạm, lời nói láu lỉnh pha thêm chút tiếng dân tộc.

Ngồi bên mâm cơm, Thắng nâng chén rượu ngửa cổ uống ực “khà”, nói: “Về với dân bản, mình không uống được rượu thì bảo là không quý nên không cung cấp thông tin. Từ miền xuôi lên, lúc đầu em có uống được đâu”. Nghe vậy, mọi người cười rôm rả, lại thêm những câu chuyện buồn vui với nghề viết. Công việc làm báo của Thắng gắn liền với những chuyến lang thang khắp các bản làng, đường đèo hiểm trở, sương mù, băng tuyết, lũ lụt. Tác nghiệp nơi vùng cao biên giới khó khăn gấp nhiều lần ở đồng bằng, thấm nghề rồi thì thấy vui, thấy yêu đất và người nơi đây.

Phóng viên Nguyễn Thắng, dẫn hiện trường đưa tin về cơn lũ lịch sử ở Sa Pa (Lào Cai) năm 2013. Ảnh do nhân vật cung cấp


Thắng tâm sự: “Càng khó khăn trên chặng đường tác nghiệp thì khi đặt bút viết lại càng dễ có cảm xúc, con chữ hình như cũng vì thế mà tuôn ra nhanh hơn. Đi khổ thì viết dễ - đó chính là đặc trưng của những người làm báo khu vực miền núi. Có lẽ đây là điều thú vị của người làm báo trên rẻo cao này. Sau những năm tháng gắn bó với vùng đất Lào Cai, công việc làm báo đã tôi luyện cho tôi trưởng thành hơn, những khó khăn, thử thách của nghề nghiệp giúp tôi ngày càng vững vàng hơn trong từng bài viết”.

Nguyễn Thắng cho biết thêm, Thông tấn xã Việt Nam là một cơ quan có nhiều loại hình thông tin, nhiều ấn phẩm thông tin nên những phóng viên trẻ như anh có cơ hội nhiều hơn, làm việc đa-zi-năng, ba trong một, vừa viết bài cho báo in, báo điện tử, vừa sản xuất tin bài cho truyền hình. Vật bất ly thân của các anh trên mỗi hành trình tác nghiệp không chỉ là giấy bút, máy ảnh mà còn có chiếc máy ghi âm, máy quay phim cồng kềnh, dẫn hiện trường, xử lý hậu kì… “Bận rộn, vất vả nhưng thành quả là những tin tức được phản ánh kịp thời, thời sự, ý nghĩa, góp vào ngân hàng tin tức khổng lồ của Thông tấn xã Việt Nam. Điều này đem lại niềm vui khôn tả với tôi”, anh nói.

Nhà báo Minh Tâm (nữ) tác nghiệp cùng đồng nghiệp tại đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa tháng 5/2012.Ảnh do nhân vật cung cấp


“Nếu được phép chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề báo”, nhà báo nữ Minh Tâm - Trưởng Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hà Giang chia sẻ. Với bản lĩnh của người làm báo, vượt qua những trở ngại của “phái yếu” chị luôn tâm huyết cháy bỏng với nghề đã theo đuổi. Với trải nghiệm từ thực tế, Minh Tâm luôn năng động, xông pha khắp các nẻo đường, có mặt tại các sự kiện để kịp thời phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng của Hà Giang. Bốn mươi tuổi đời, gần hai mươi năm nghiệp viết, chị luôn trăn trở làm thế nào để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan giao. Chính tâm niệm ấy, nhà báo Minh Tâm luôn sống hết mình và say với nghề viết.
Minh Tâm vẫn còn nhớ kỷ niệm chuyến công tác nguy hiểm, vất vả nhưng ý nghĩa trong trận lũ quét lịch sử ở Hà Giang năm 2004: “Lũ quét xảy ra tại xã Du Tiến (huyện Yên Minh). Nhận được thông tin, tôi phóng nhanh xe máy, có mặt tại địa bàn. Trời mưa tầm tã, cộng với cái lạnh của vùng cao, khiến người tôi rét run bần bật. Tôi cho chiếc máy ảnh vào túi ni lông, giơ cao để nước không bị ướt máy. Ngập bùn, không đi được dép hay giầy, tôi đành mượn hai đôi tất nam xỏ vào, mỗi chân hai chiếc để lội hàng chục kilômét từ trung tâm huyện Yên Minh vào đến xã, kịp thời có tin chuyển về”.

Thấp thỏm nhớ rừng

“Chuyển công tác về xuôi, tôi vẫn còn thấy thèm thuồng những chuyến đi cơ sở, băng núi, vượt rừng, lăn lội với bà con dân tộc ở cực tây Tổ quốc. Giờ này, bản thân tôi vẫn còn thấy mắc nợ với bà con dân tộc ở các huyện nghèo tỉnh Điện Biên khi lời hứa với bà con, làng bản sẽ “quay trở lại” không dễ gì thực hiện được nữa”, Xuân Tiến, Cơ quan Thường trú TTXVN tại Thái Bình tâm sự.

Những chuyến công tác ở tỉnh Điện Biên, do đường xa, địa hình hiểm trở nên phóng viên Xuân Tiến phải xôi nắm mang theo để ăn giữa đường. Ảnh do nhân vật cung cấp


Tháng 7/2009, Tiến được đơn vị cử lên “đóng quân” ở Cơ quan Thường trú TTXVN tỉnh Điện Biên. Năm năm gắn bó, xông pha với nghề, đầu năm 2011, cơ quan có ý định chuyển Xuân Tiến về xuôi, nhưng cậu đã “kháng” lệnh xin ở lại thêm một nhiệm kỳ. Bạn bè đồng nghiệp biết chuyện thì nói Xuân Tiến “dại” khi bám riết lấy mảnh đất xa xôi, công tác vất vả ấy. Nhưng cái ước mơ một lần chinh phục ngã ba Biên giới cực tây, kỳ vĩ, nơi phân định gianh giới giữa ba nước Việt - Trung - Lào chưa thực hiện được nên cậu chưa muốn về. Tiến thú thật, nhiều lúc công tác ở Điện Biên, cha mẹ, người thân ở Nghệ An ốm đau, hay gia đình có việc hiếu việc hỉ, mình bận công việc và đường sá xa xôi không về được thì cũng thấy mủi lòng.

Xuân Tiến cho biết: “Cũng giống như những tỉnh miền núi khác, Điện Biên vẫn còn là một tỉnh nghèo. Cái nghèo của tỉnh này đứng nhất, nhì cả nước. Địa bàn trên 60% là đồi núi, giao thông bị chia cắt nên phóng viên tác nghiệp rất khó khăn. Tuy nhiên, mảnh đất Điện Biên lại là một môi trường “thử lửa” thật sự đối với phóng viên thường trú, nếu trải qua và “sống” được ở đây thì cơ hội để phóng viên trưởng thành là rất lớn”.

Điện Biên có 9 huyện, thị xã, thành phố với 19 dân tộc sinh sống, văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc của mỗi dân tộc là một “kho” khổng lồ để phóng viên tìm hiểu, viết bài. Điều đặc biệt hơn, điểm chung dễ bắt gặp nhất đối với cộng đồng 19 dân tộc anh em trên mảnh đất Điện Biên là văn hóa trọng tình, mến khách. Đi bất cứ bản làng nào của cộng đồng dân tộc Thái, Mông, Si La, Khơ Mú, Lào, Cống… phóng viên đều dễ dàng đón nhận được sự niềm nở, tiếp đãi tận tình, nồng hậu của chủ nhà, bởi với chủ nhà, người lạ là khách quý, phóng viên lại là đứa con xa của bản.

Xuân Tiến khẳng định: “Những năm tháng công tác ở Điện Biên đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và sự trưởng thành. Nếu đặt câu hỏi, bạn có chấp nhận lên lại Điện Biên công tác dài hơi nữa hay không thì tôi sẵn sàng trả lời có. Thứ nhất, ở đó có bạn bè, đồng nghiệp luôn kề vai sát cánh. Thứ hai, bản thân đang còn trẻ, ước mơ cống hiến, thể hiện và khẳng định mình không bao giờ tắt trong tôi”.


Việt Hoàng