11:14 19/11/2014

Saudi Arabia có đủ sức lũng đoạn giá dầu?

Trước khi Thái tử Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz, tới Brisbane, Australia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20, đã nổi lên một làn sóng các câu hỏi và phân tích về chiều hướng của giá dầu trong tương lai.

Theo mạng tin "Al Arabiya News", trước khi Thái tử Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz, tới thành phố Brisbane của Australia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi (G-20), đã nổi lên một làn sóng các câu hỏi và phân tích về chiều hướng của giá dầu trong tương lai. Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng đó là một cuộc chiến chống lại Iran và Nga? hay: Đó là một cuộc chiến chống lại các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ? hay: Đó chỉ đơn giản là một chương mới trong quá trình phát triển của thị trường dầu mỏ?

Saudi Arabia bị cáo buộc tìm cách gây sức ép về chính trị đối với Iran và Nga bằng cách giảm giá dầu.


Saudi Arabia là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng thời được cho là đang nắm giữ vai trò chủ chốt trên thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, Saudi Arabia có lẽ không dám chơi trò "pha trộn chính trị với dầu mỏ", bởi họ nhận thức được rằng một trò chơi như vậy sẽ rất nguy hiểm, có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và đe dọa sinh kế của người dân.

Sau nhiều cuộc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi đã đưa ra tuyên bố trong đó bác bỏ bất kỳ động cơ chính trị nào đằng sau tình trạng rớt giá hiện nay, đồng thời khẳng định rằng chỉ có thị trường mới có thể kiểm soát giá dầu. Ông này đã phản ứng trước những cáo buộc gần đây rằng Saudi Arabia đang tìm cách gây sức ép về chính trị đối với Iran và Nga bằng cách giảm giá dầu nhằm buộc hai quốc gia này phải chấp nhận một số lập trường chính trị nhất định.

Khi xem xét các cáo buộc trước đây, người ta có thể nhận thấy rằng chúng hoàn toàn không có cơ sở. Thứ nhất, Saudi Arabia không áp đặt bất cứ lập trường chính trị nào đối với Iran và Nga để tự chuốc lấy một cuộc phiêu lưu nguy hiểm có thể gây hại cho nguồn thu nhập duy nhất của quốc gia. Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp giá dầu sụt giảm mạnh thì chưa chắc Tehran và Moskva sẽ thay đổi lập trường.

Cáo buộc thứ hai nói rằng Saudi Arabia đang tìm cách hạ giá dầu để đối đầu với các ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đá phiến của Mỹ rõ ràng vượt quá khả năng của một quốc gia. Saudi Arabia biết rằng họ không thể tự tạo ra chiến lược giá cả bởi đó là một vấn đề liên quan đến tất cả các nước sản xuất dầu. Thực sự là Saudi Arabia cũng đang lo ngại trước việc giá dầu liên tục sụt giảm - lần đầu tiên giảm còn 80 USD/thùng trong vòng bốn năm - nhưng Saudi Arabia đã rút ra được bài học từ những trải nghiệm khắc nghiệt trong thập kỷ 1980 để không trở thành quốc gia duy nhất phải trả giá. Còn nhớ, kinh tế Saudi Arabia thời đó đã bị tổn thất do nước này chơi trò "đánh đu" (thao túng bằng cách nâng và hạ giá) với giá dầu.

Theo giới chuyên gia, Riyadh phải nhận diện được tương lai gần bởi chính họ đang phải đương đầu với những thách thức không nhỏ. Hiện Mỹ đã trở thành một quốc gia sản xuất dầu mỏ, với sản lượng khoảng 9 triệu thùng/ngày, gần bằng mức 9,6 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia. Năm 2015, dự báo Mỹ sẽ xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày thay vì phải nhập khẩu 13 triệu thùng dầu/ngày như trước kia. Đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Ngoài ra, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ giảm do tốc độ phát triển kinh tế của nước này có chiều hướng chậm lại.

Việc giá dầu giảm là kết quả của tình trạng thặng dư chứ không phải do một quyết định chính trị có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Arab Saudi và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, trong đó có Mỹ - nơi mà hoạt động khai thác dầu từ đá phiến đòi hỏi chi phí cao. Cho dù giá có tăng hay giảm thì dầu vẫn tiếp tục là một phương tiện để phát triển nền kinh tế và đó không chỉ là một chiếc ví mà chúng ta rút tiền ra tiêu cho đến ngày chúng ta không còn phải phụ thuộc vào nó nữa.


TTK