03:00 31/03/2011

Sáu lý do Mỹ "đẩy" quyền chỉ huy quân sự tấn công Libi cho NATO

Sau một thời gian “đùn đẩy”, cuối cùng NATO cũng tiếp nhận toàn bộ quyền chỉ huy quân sự từ phía Mỹ, phụ trách thực thi “vùng cấm bay” đối với Libi, tiếp tục triển khai các cuộc tấn công đối với quốc gia Bắc Phi này, quyết tâm giúp đỡ lực lượng chống chính phủ hạ bệ nhà lãnh đạo Muammar Kadhafi.

Sau một thời gian “đùn đẩy”, cuối cùng NATO cũng tiếp nhận toàn bộ quyền chỉ huy quân sự từ phía Mỹ, phụ trách thực thi “vùng cấm bay” đối với Libi, tiếp tục triển khai các cuộc tấn công đối với quốc gia Bắc Phi này, quyết tâm giúp đỡ lực lượng chống chính phủ hạ bệ nhà lãnh đạo Muammar Kadhafi. Dư luận đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại "đẩy" quyền chỉ huy quân sự cho NATO? Việc làm này có ý nghĩa gì? Và điều này sẽ mang lại lợi ích chiến lược gì cho Mỹ?

Cột khói lớn dâng lên ở khu vực Tajoura, cách Tripoli khoảng 30 km về phía đông sau một cuộc không kích ngày 29/3. THX-TTXVN


Trong bài viết đăng trên tờ “Tín báo” (Hồng Công) ngày 29/3, Trịnh Xích Diễm - nguyên Chủ nhiệm Khoa chính trị Đại học Trung Văn (Hồng Công) - cho rằng việc "đẩy" quyền chỉ huy quân sự tấn công Libi cho NATO sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Mỹ, ít nhất có sáu lý do khiến Mỹ làm việc này:

Thứ nhất, Mỹ có thể tăng thêm khả năng kiểm soát đối với NATO.

Thứ hai, một khi NATO bị cuốn vào các hành động quân sự ở Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ có thể "mượn" lực lượng của các nước châu Âu để mở rộng bản đồ chính trị - quân sự tại khu vực này, từ đó tiêu diệt các thế lực Hồi giáo chống phương Tây.

Thứ ba, chỉ có châu Âu mới đủ sức gánh vác trách nhiệm chỉ huy quân sự. Cho dù nhiệm vụ chính trị - quân sự này thành công hay thất bại, Mỹ vẫn là bên giành thắng lợi duy nhất vì khi đã tham chiến, các bên đều chịu tổn hại, Mỹ ở giữa có thể là “ngư ông đắc lợi”. Vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống Libi có thể sẽ giống như trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tức là Mỹ sẽ đóng vai trò “quyết định” kết thúc cuộc chiến và chia chiến lợi phẩm.

Thứ tư, từ khi thành lập nước đến nay, Mỹ luôn giương cao ngọn cờ dân chủ, tự do, dân quyền, đánh Ápganixtan vì “chống chủ nghĩa khủng bố”, đánh Irắc vì “chống bạo chúa”. Nhưng lý do đánh Libi là gì? Phương Tây vẫn lên án Tổng thống Kadhafi trấn áp biểu tình hòa bình bằng hành động vũ lực. Vậy nhưng biểu tình hòa bình ở Libi đã nhanh chóng chuyển thành một cuộc nổi dậy vũ trang, lực lượng chống đối đã phản công quân đội chính phủ bằng vũ khí hạng nặng, công khai tiến hành cuộc “nội chiến” với Tổng thống Kadhafi. Theo luật quốc tế, nước ngoài dùng quân sự ủng hộ bất kỳ một bên nào của cuộc nội chiến, tức là đã phạm vào hành động can thiệp nội bộ nước khác. Do vậy, "đẩy" quyền chỉ huy quân sự tấn công Libi vào tay NATO, Mỹ sẽ tránh được tội danh “chủ mưu”.

Biểu tình bên ngoài hội nghị quốc tế về Libi ở London. THX-TTXVN


Thứ năm,
trong làn sóng “cách mạng hòa nhài” ở Trung Đông và Bắc Phi, không ít chính quyền là đồng minh của Mỹ cũng chịu tác động của làn sóng này như Baranh, Arập Xêút, Gioócđani và Yêmen. Các nước này đều "đứng ngồi không yên" trước làn sóng cách mạng ở khu vực. Một vài chính quyền sử dụng vũ lực để trấn áp biểu tình và gây nhiều thương vong. Rõ ràng, biện pháp đối phó với làn sóng biểu tình của Libi và các nước này là giống nhau, song sự nhìn nhận và đối xử của Mỹ và phương Tây đối với chúng lại khác nhau. Nếu Mỹ cũng dùng hành động quân sự ép lãnh đạo của các nước này từ chức (như đối với Libi), e rằng từ nay về sau Mỹ sẽ không còn đồng minh nào nữa ở khu vực này.

Do đó, một khi "đẩy" được quyền chỉ huy quân sự cho NATO, Mỹ sẽ “dễ ăn dễ nói” hơn với các nước đồng minh trong khu vực, có không gian để thuyết phục lãnh đạo các nước này kiềm chế và nhượng bộ, thậm chí từ chức vì một bầu không khí chính trị ổn định. Đây là cách làm đã được Mỹ thực hiện thành công đối với Ai Cập và Tuynidi.

Thứ sáu, cần phải hiểu rằng NATO là do Mỹ xây dựng lên để bao vây Liên Xô (trước đây) kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sau chiến tranh Lạnh, sức mạnh của Liên minh châu Âu được mở rộng, châu Âu cho rằng chính trị hòa bình cũng đủ để xây dựng một liên minh châu Âu vững mạnh, không cần đến công cụ quân sự NATO, sản phẩm của chiến tranh Lạnh. Đối với Mỹ, điều này là không thể, bởi Mỹ hiểu rõ nếu không có NATO, châu Âu sẽ ly khai khỏi Mỹ, thậm chí còn có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Do đó, duy trì và nắm chắc NATO là một mục tiêu chính trị lớn của Mỹ sau chiến tranh Lạnh.

Tác giả kết luận, nếu nói rằng Mỹ không đủ lực để mở thêm cuộc chiến tranh thứ ba, có thể chưa hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều là Mỹ đang ráo riết ép NATO gánh vác trách nhiệm nhiều hơn nữa tại châu Âu và khu vực Địa Trung Hải dưới sự chủ đạo của Mỹ. Việc Mỹ "đẩy" quyền chỉ huy quân sự tấn công Libi cho NATO có thể nói là một chiêu thức cao siêu giúp Mỹ có được lợi ích lớn nhất nhờ vào sức mạnh của người khác.

Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)