12:14 27/12/2010

Sau kết hôn,con cái nên ở riêng

Các nghiên cứu xã hội học về gia đình cho thấy, thanh niên Việt Nam ngày càng có xu hướng đề cao các giá trị tinh thần và sự độc lập của gia đình tương lai nhiều hơn. Việc quá phụ thuộc vào cha mẹ đang giảm dần.

Các nghiên cứu xã hội học về gia đình cho thấy, thanh niên Việt Nam ngày càng có xu hướng đề cao các giá trị tinh thần và sự độc lập của gia đình tương lai nhiều hơn. Việc quá phụ thuộc vào cha mẹ đang giảm dần.

Chuẩn bị kỹ khi kết hôn

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự biến động kinh tế, xã hội đã kéo theo sự thay đổi của văn hóa truyền thống, trong đó có các giá trị gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn cho thấy vị trí của giá trị gia đình tiếp tục chiếm vai trò quan trọng mà những người trẻ theo đuổi.

Ảnh có tính minh họa

Cụ thể, theo quan niệm truyền thống thì hôn nhân được xếp vào bậc quan trọng thứ hai trong số ba việc lớn mà một người đàn ông phải làm trong cuộc đời. Ngày nay, giới trẻ cũng có cách nghĩ tương tự, cụ thể là 2/3 (61%) số thanh niên tham gia trả lời cho rằng: Hôn nhân là bước chuyển lớn cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định kết hôn. Chỉ có 3,5% những người tham gia khảo sát cho rằng hôn nhân là tự nhiên đời người cần phải có không cần chuẩn bị trước.

“Đây là kết quả mang nhiều tính tích cực. Điều này cho thấy thái độ nghiêm túc của thanh niên khi đứng trước lựa chọn bước vào cuộc sống gia đình”, nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát nhận định. Dĩ nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cách nhìn nhận thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhưng đại đa số thanh niên đã thận trọng, chu đáo và tin cậy khi thể hiện thái độ của họ trước khi bước vào hôn nhân.

Cũng theo khảo sát trên, các giá trị tinh thần trong hôn nhân được thanh niên đẩy lên khá cao, như tình cảm vợ chồng (cao nhất 21,3%) hay con cái khoẻ mạnh (19,7%). Bên cạnh các giá trị tinh thần thì sự ổn định về kinh tế cũng được thanh niên cho là có giá trị trong việc tạo lập một gia đình trẻ hạnh phúc (20,5%, đứng thứ hai theo thứ tự lựa chọn của thanh niên).

Bên cạnh đó, thanh niên cũng đề cao các giá trị liên quan tới cá nhân như: tình cảm vợ chồng, sự tôn trọng lẫn nhau. Trong quan điểm về con cái, thay vì hướng tới “có nếp, có tẻ” thì thanh niên đề cao tới giá trị sức khoẻ của các con mình hơn. Đây là điểm đánh dấu sự thay đổi đáng kể đối với mong muốn về con cái của thanh niên, khi mà sự phân biệt giới tính của đứa con không còn được đề cao như trong giá trị truyền thống “trọng nam khinh nữ” trước đây.

Đặc biệt, quan niệm “môn đăng hậu đối” được thanh niên mở rộng hơn “hai họ tôn trọng” (18,1%) chứ không chỉ dừng lại ở gia đình hạt nhân. Không còn nhiều thanh niên muốn dựa vào điều kiện kinh tế của cha mẹ như một mục tiêu khi lựa chọn bạn đời, điều này phản ánh một thực tế là họ muốn độc lập về kinh tế với cha mẹ và cao hơn đó là tự lực cánh sinh khi xây dựng tổ ấm của mình.

Chủ động trong hôn nhân

Nghiên cứu trên cũng cho thấy, thanh niên có xu hướng đề cao các giá trị tinh thần hơn các giá trị vật chất trong quan niệm về hôn nhân, gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người cũng có chiều hướng đề cao gia đình riêng của mình, sống độc lập hơn là dựa vào cha mẹ (gia đình xuất thân).


Điều này có thể bị ảnh hưởng bởi tính thiếu thực tế vì nhiều người đều chưa lập gia đình, nên những lo toan, những thiếu thốn của đời sống vật chất chưa thể lường trước.

Tuy nhiên, kết quả này cho thấy một tín hiệu đáng mừng là việc tự xác định vai trò chủ động của bản thân trong các giá trị của hôn nhân và gia đình mà thanh niên hướng tới. Đó là sự chủ động trong cả lựa chọn bạn đời và thực hành đời sống hôn nhân. Vấn đề đặt ra là, vai trò của giáo dục trước hôn nhân cho thanh niên cần tiến hành như thế nào để có thể nuôi dưỡng và định hướng tốt nhất cho vị trí trong hôn nhân của mình.

Chính vì sự tôn trọng xu hướng cá nhân nêu trên, theo các nhà xã hội học, việc thanh niên tách ra ở riêng sau khi lập gia đình sẽ ngày càng nhiều hơn. “Đây là điều các bậc cha mẹ nên “đón đầu” để sau này đỡ lấn bấn về tâm lý”, một chuyên gia tâm lý cho biết.

Sự đón đầu này, theo chuyên gia này, được thể hiện ở chỗ cha mẹ cần xác định trước rằng con mình có thể thuê nhà ở riêng, chứ không ở chung với bố mẹ. Đặc biệt, khi việc thuê nhà hiện nay đã trở nên phổ biến hơn trước.


Nếu cứ lấn bấn và khăng khăng sẽ ở cùng con cái thì có thể các bậc cha mẹ sẽ sốc khi thấy con mình lựa chọn không giống mình nghĩ. “Ngay từ khi con cái còn nhỏ, các bậc phụ huynh cũng nên tính đến phương án không ở cùng con lúc về già. Do đó, họ cần sớm xây dựng những nhóm bạn để giao lưu và sau này chia sẻ tâm tư khi về già. Những nhóm hoạt động như thế sẽ làm cuộc sống của họ sau này thêm thú vị và không bị phụ thuộc vào con cái.

Cầm Trang