05:10 31/05/2011

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1816: Không chỉ bệnh nhân được hưởng lợi

Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (Đề án 1816) cơ bản đã đạt được 3 mục tiêu đề ra.

“Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (Đề án 1816) cơ bản đã đạt được 3 mục tiêu đề ra. Đó là góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, góp phần giảm tải từ xa cho các bệnh viện tuyến trên”, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008 - 2010, do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/5, tại Hà Nội.

Tiếp tục giảm 30% bệnh nhân chuyển lên tuyến trên

Theo TS Lương Ngọc Khuê, một trong những mục tiêu quan trọng mà Đề án 1816 đạt được sau hơn 2 năm triển khai là góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bác sỹ Bệnh viện Tai – Mũi - Họng TƯ chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tai giữa-vá màng nhĩ qua kính hiển vi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Tới nay, cả nước đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, trong đó tuyến trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000 lượt cán bộ; tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện 2.000 lượt cán bộ, tuyến huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt cán bộ. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt. Các bác sĩ từ tuyến trên về tuyến dưới trực tiếp khám chữa bệnh cho hơn 4,5 triệu người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao...

Việc luân phiên cán bộ về tuyến dưới đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh địa phương. Trong hơn hai năm đã có 2.000 lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức với sự tham dự của trên 52.000 lượt cán bộ y tế địa phương. Đặc biệt, có tới 2.504 kỹ thuật được chuyển giao... Nhờ vậy, đã góp phần giảm tải từ xa cho các bệnh viện tuyến trên, nhất là bệnh viện tuyến trung ương thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30%.

Cán bộ y tế đi luân phiên đã hướng dẫn và đưa vào sử dụng các máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại tại một số cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Thông qua hoạt động thực tiễn tại tuyến dưới, cán bộ đi luân phiên học tập thêm những kiến thức về chuyên môn cũng như quản lý của các đơn vị tuyến dưới, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập tự chủ cho cán bộ đi luân phiên...

“Điều đó khẳng định Đề án 1816 là một chủ trương đúng đắn của ngành y tế, phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Đã cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo và chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác y tế”, TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Việc thực hiện Đề án 1816 đưa cán bộ có trình độ chuyên môn cao đi luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới đã góp phần giúp cho người dân ở các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc, được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương, với chi phí thấp nhất, không phải tốn kém về thành phố để khám, chữa bệnh.

Đảm bảo khớp nối nơi cần với nơi có

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án 1816 vẫn còn có hạn chế cần khắc phục. “Một số bệnh viện chưa làm tốt khâu khảo sát nhu cầu, nên thiếu thực tế và bị động, cử cán bộ đi luân phiên chưa sát với nhu cầu thực tế của nơi nhận. Một số bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên chưa sẵn sàng đội ngũ thầy thuốc có trình độ để phối hợp công tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ thuật; cá biệt có trường hợp thể hiện thiếu hợp tác, ỷ lại cán bộ đến luân phiên và chưa chủ động học hỏi; trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là những trang thiết bị cần thiết để giúp chuyển giao kỹ thuật”, TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Ngoài ra, một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định. Chưa kiện toàn đồng bộ ban chỉ đạo ở các địa phương, vẫn còn một số tỉnh/thành phố chưa thành lập ban chỉ đạo...

Để khắc phục những vướng mắc còn tồn tại, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức y tế. Kiện toàn, duy trì, phát huy vai trò chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp. Đồng thời, tăng cường vai trò điều phối của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế trong việc cử cán bộ đi luân phiên. Đảm bảo khớp nối nơi cần với nơi có, tránh trùng lắp, nâng cao hiệu quả hoạt động...

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tựu mà Đề án 1816 đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: “Bộ Y tế cần định hình mục tiêu và yêu cầu của Đề án 1816 trong giai đoạn tới, xác định thời gian thực hiện và những mục tiêu cụ thể của Đề án. Ngoài ra, nên có sơ kết và xác định danh mục công nghệ, kỹ thuật mới cần chuyển giao cho các bệnh viện”. Theo Phó Thủ tướng, Bộ Y tế cần xác định rõ số lượng bệnh viện đã làm chủ được những kỹ thuật mới và còn những bệnh viện nào cần chuyển giao kỹ thuật mới để có kế hoạch chuyển giao cụ thể. Hiện nay đang trong giai đoạn triển khai xây dựng mới và nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; do đó ngành y tế cũng cần làm tốt công tác chuyển giao công nghệ tại những đơn vị này, đảm bảo khi bệnh viện xây dựng xong có thể tiếp nhận và triển khai hiệu quả những kỹ thuật được chuyển giao... “Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển y tế trong giai đoạn 10 năm tới, triển khai đồng bộ kế hoạch xây dựng toàn ngành, xây dựng các bệnh viện chuyên khoa gắn với việc chuẩn bị nhân lực, chuyển giao công nghệ...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.



Phương Liên