12:17 31/12/2014

Sau 40 năm, TP Hồ Chí Minh đã có một bước tiến dài

Nhân dịp đầu năm mới 2015, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã có trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về sự phát triển của thành phố 40 năm qua và những định hướng trong thời gian tới.

Năm 2015 được xem là quan trọng bởi là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2011-2015), làm “bàn đạp” cho kế hoạch 5 năm tiếp theo (2016-2020). Đây cũng là năm thành phố kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Nhân dịp đầu năm mới 2015, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã có trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về sự phát triển của thành phố 40 năm qua và những định hướng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân



Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế-văn hoá-xã hội mà TP Hồ Chí Minh đã đạt được kể từ chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đến nay?

Bốn mươi năm qua, TP Hồ Chí Minh đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Quy mô nền kinh tế đã tăng lên gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Người dân thành phố ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là nhân tố chính tạo nên sự thành công của công cuộc đổi mới.

Mười năm đầu (1975-1985), thành phố đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau giải phóng; đã giữ vững chính quyền, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và duy trì sản xuất trong bối cảnh đất nước bị đe dọa bởi chiến tranh biên giới.

Ba mươi năm tiếp theo, kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đại hội của đổi mới, đến nay thành phố đã nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất, có kinh nghiệm thực tiễn quý báu về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách đổi mới của Trung ương. Đường lối đổi mới của Đảng chuyển từ nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã khơi dậy và giải phóng sức sản xuất, các nguồn lực to lớn từ trong nhân dân. Các thành phần kinh tế tiếp tục được phát triển, kinh tế nhà nước được sắp xếp lại và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; kinh tế tập thể được củng cố và ngày càng mở rộng; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh chóng và trở thành kênh đầu tư quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Mối quan hệ giữa TP Hồ Chí Minh và cả nước ngày càng được mở rộng và gắn kết chặt chẽ. Vai trò đầu tàu của TP Hồ Chí Minh so với cả nước tiếp tục được khẳng định. Năm 2014, GDP của thành phố chiếm hơn 20% cả nước, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.131 USD/người, dự kiến đến cuối năm 2015 đạt 5.826 USD/người.

Sự kiện đất nước ta hội nhập WTO và những nỗ lực của chính quyền thành phố đã góp phần quan trọng đưa TP Hồ Chí Minh hội nhập ngày càng tốt hơn với thế giới.

TP Hồ Chí Minh đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Ông có thể nói rõ thêm những mục tiêu quan trọng của thành phố gắn với quy hoạch trên?

Trên cơ sở những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội của thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2631/QĐ-Ttg ngày 31/12/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025, trong đó có một số mục tiêu quan trọng như sau:

Mục tiêu tổng quát: Xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, thể thao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng và cả nước. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo đó, một số mục tiêu quan trọng cụ thể như: Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 9,5%-10% và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5%-9%/năm.

Quy mô dân số thành phố đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người.

Giải quyết việc làm đến năm 2015, hàng năm sẽ tạo ra 120.000 chỗ làm việc mới; đến năm 2020 sẽ tạo ra 125.000 và năm 2025 sẽ tạo ra 130.000 chỗ làm việc mới. Từ năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp kéo giảm xuống còn dưới 4%.

Đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục- đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hoá, thể dục-thể thao.

Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong mọi tình huống.

Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, chủ động ngăn ngừa tác động tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Có thể nói, đây là những mục tiêu đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trong công tác triển khai thực hiện; yêu cầu sự nỗ lực và sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo thành phố và trên hết là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Với truyền thống năng động và sáng tạo, thành phố sẽ phát huy những thời cơ và thuận lợi, vượt qua những khó khăn và thách thức xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

Năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh khi gắn với Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài học lịch sử cách đây 40 năm còn nguyên giá trị, vậy TP Hồ Chí Minh đã và sẽ phát huy tinh thần của chiến thắng đó như thế nào, thưa ông?

Đối với TP Hồ Chí Minh, đại thắng mùa Xuân 1975 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là bài học lịch sử sáng ngời đáng tự hào và mãi mãi còn nguyên giá trị cho non sông đất nước và các thế hệ của con người Việt Nam. Đây cũng là tiền đề để thành phố phát triển lên tầm cao mới, trở thành thành phố năng động, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Những bài học từ chiến thắng 30/4/1975 được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vận dụng đã và đang phát huy những tác dụng tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc thông qua một số nội dung:

Một là phải bảo đảm giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống. Mọi chính sách phải đảm bảo an dân, dựa vào dân, phát huy và bồi dưỡng sức dân. Quan tâm chăm lo củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt, xây dựng lực lượng võ trang ngày càng vững mạnh để giữ vững an ninh-chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Hai là chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước để phục vụ mục tiêu phát triển thành phố. Để phát huy nội lực, trước hết phải phát huy tốt tiềm năng nguồn lực con người, nguồn lực toàn xã hội, nhất là tiềm năng vật chất, trí tuệ và tinh thần của nhân dân, của các thành phần kinh tế. Chú trọng phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước để chủ động điều tiết, chi phối thị trường trong trường hợp cần thiết, giữ vững phát triển kinh tế-xã hội đúng định hướng xã hội chủ nghĩa kết hợp với việc động viên thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả xây dựng. Đồng thời phải gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hoá và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng nhanh phải gắn liền với chăm lo phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Ba là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá tiến độ thực hiện các chủ trương, chính sách, kịp thời xử lý những vấn đế phát sinh từ thực tiễn cuộc sống. Phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thông qua công tác giám sát nhằm kịp thời phản ảnh những bất cập của chính sách, cơ chế, những lỗ hổng trong quản lý và các hành vi vi phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực để kịp thời chấn chỉnh và hoàn thiện.

Bốn là thường xuyên chăm lo công tác cán bộ, vì đây là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, địa phương. Thực tế cho thấy, nơi nào quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí đúng cán bộ; đồng thời kiên quyết thay đổi những cán bộ kém năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, xử lý nghiệm những cán bộ mắc sai lầm thì nơi đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với mục tiêu phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đảng bộ và nhân dân thành phố đã và đang đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua yêu nước, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của mình để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.

Xin cám ơn ông!

Hữu Duyên-M.Thuyết (thực hiện)