06:08 07/06/2012

Sau 1-3 năm, nhân viên y tế đã “quen” nhận phong bì

Tình trạng nhân viên y tế nhận phong bì của bệnh nhân ngày càng phổ biến nhưng phổ biến nhất là ở tuyến tỉnh và trung ương.

Tình trạng nhân viên y tế nhận phong bì của bệnh nhân ngày càng phổ biến nhưng phổ biến nhất là ở tuyến tỉnh và TƯ. Từ tuyến huyện trở xuống, nhất là những vùng sâu, vùng xa hầu như không có hiện tượng phong bì. Kết quả trên được công bố tại Nghiên cứu “Chi phí chính thức trong dịch vụ y tế” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, công bố ngày 6/6, tại Hà Nội.

 

Tuyến trên, phong bì “cảm ơn” bác sĩ càng dày


TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết, Trung tâm tiến hành nghiên cứu này từ 8/2010 - 2/2011, tại Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk và Cần Thơ để tìm hiểu về tình trạng đưa và nhận phong bì trong ngành y tế thông qua các đối tượng nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành y, cán bộ y tế, người bệnh…


Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi mới ra trường, các nhân viên y tế thường không dám nhận phong bì, quà biếu nhưng chỉ 1 - 3 năm sau đó, họ tạo được “thói quen” này. Riêng ở các khoa sản, ngoại, chỉ sau khi ra trường 1 năm thì các nhân viên y tế đã hình thành “thói quen” nhận phong bì.


 

Vấn nạn “phong bì” ở cơ sở y tế đang gây nhức nhối dư luận. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Đặc biệt, càng lên tuyến trên thì mức độ nhận phong bì, giá trị phong bì càng lớn. Nếu như ở bệnh viện tuyến huyện giá trị phong bì lớn nhất cho bác sĩ ngoại là 400.000 - 500.000 đồng, thì lên tới bệnh viện tỉnh là 500.000 - 1.000.000 đồng, còn ở BV tuyến TƯ là 1.000.000 - 3.000.000 đồng. Thậm chí, có trường hợp BS được “cảm ơn” tới 25.000.000 đồng sau một ca phẫu thuật.


Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm RTCCD: “5 năm trở lại đây, tại các thành phố lớn xuất hiện một hình thức cảm ơn mới. Thay vì cảm ơn bằng quà biếu hoặc tiền, một số bệnh nhân tìm cách “cảm ơn” bác sỹ bằng cách giúp bác sỹ giải quyết các vấn đề khó khăn: Môi giới mua nhà giá gốc, giúp con bác sỹ vào học tại trường chất lượng cao, mua sữa ngoại đảm bảo…”.


Các nhân viên y tế biện minh cho “thói quen” nhận phong bì là họ cần cải thiện cuộc sống, để có cuộc sống đầy đủ hơn. Bởi lẽ, thu nhập của nhân viên y tế hiện nay quá thấp, đơn cử, tổng thu nhập của một bác sỹ phó trưởng khoa ngoại tại một bệnh viện ở Hà Nội năm 2010 chỉ vẻn vẹn 4.200.000 đồng/tháng, một điều dưỡng trưởng thâm niên 16 năm tại khoa sản cũng chỉ có 3.400.000 đồng/tháng.

 

Người bệnh không yên tâm khi không đưa phong bì


Tuy các nhân viên y tế cho rằng, việc đưa và nhận phong bì không hề ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Phong bì chỉ có thể giúp bệnh nhân được “tư vấn nhẹ nhàng” như tư vấn lâu hơn với bệnh nhân, thái độ giao tiếp tốt hơn, quan tâm hơn sau phẫu thuật. Nhưng, với bệnh nhân, họ cho biết nếu không đưa phong bì thì họ lại lo lắng về chất lượng khám chữa bệnh.


Điều đáng nói là, cả nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng các khoản chi phí không chính thức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới dịch vụ y tế ở Việt Nam, làm xói mòn niềm tin và sự tôn trọng của bệnh nhân đối với hệ thống y tế, đồng thời có thể gây mâu thuẫn trong nội bộ khoa phòng của các cơ sở y tế. Thế nhưng, nhiều nhân viên y tế cho rằng việc biếu quà hoặc phong bì sau kết thúc điều trị không phải một vấn đề nghiêm trọng. Họ chỉ không chấp nhận hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu như trì hoãn điều trị, tiêm đau hoặc không đáp ứng yêu cầu chính đáng của người bệnh để gián tiếp đòi hỏi phong bì.


Trước ý kiến cho rằng, nhân viên y tế nhận phong bì vì thu nhập thấp, TS Trần Tuấn cho hay: “Thu nhập của nhân viên y tế thấp nhưng không thể vì thế mà không “giải quyết” vấn đề phong bì trong ngành y tế. Bởi lẽ, người bệnh vốn rất khốn khổ, không nên dồn lên vai người bệnh những áp lực khác nữa”.


Theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, để nhân viên y tế có thể nói “không” với phong bì, rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý ngành y. Ngoài việc tăng lương cho nhân viên y tế, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát và xử lý. “Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ y tế độc lập. Hệ thống y tế hiện nay đa phần đang thiếu cơ chế giám sát chất lượng bởi một bên thứ 3. Các quy chế phòng chống tham nhũng trong ngành y tế, kiểm soát vấn đề nói không với phong bì, các hình thức xử lý kỷ luật đưa ra sẽ trở nên hữu hiệu khi cơ chế giám sát đánh giá chất lượng được thực thi bởi một tổ chức độc lập với hệ thống cung cấp dịch vụ y tế”, TS Trần Tuấn nhấn mạnh.

 

Phương Liên