07:20 17/07/2014

Sạt lở đất ảnh hưởng hàng chục hộ dân Đạ Huoai, Lâm Đồng

Tình trạng sạt lở đất tại khu vực sông Đạ Gùi, đoạn qua địa bàn hai xã Đạ Oai và Đạ Kho ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 30 hộ dân suốt nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.

Tình trạng sạt lở đất tại khu vực sông Đạ Gùi, đoạn qua địa bàn hai xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) và Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh), tỉnh Lâm Đồng, khiến gần 30 hộ dân bị mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đã nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.

Ông Võ Văn Đào, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đạ Oai cho biết, tình trạng sạt lở đất đã diễn ra từ vài năm gần đây, tạo ra một bãi bồi cát sỏi chặn dòng chảy của sông, khiến dòng chảy chuyển hướng và chảy mạnh về phía đất nơi bà con đang canh tác, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng.

Khảo sát thực tế cho thấy khu vực sạt lở có chiều rộng từ 50-70m, chiều dài khoảng 400m. Đặc biệt, các đợt bão lũ trước đó đã khiến đoạn sông này bị sạt lở nghiêm trọng hơn, hàng trăm mét vuông đất phía bờ sông đã bị sóng cuốn trôi, có đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền gần 100m, đe dọa trực tiếp đến hiện trạng kiến trúc, tài sản, tính mạng… của hàng chục hộ dân sống ở khu vực này.

Theo thống kê, sạt lở đất đã khiến 27 hộ dân của hai xã Đạ Oai và Đạ Kho bị mất hơn 7ha đất sản xuất. Ngoài ra, 30m kênh mương thủy lợi dẫn nước tưới hoa màu cũng bị phá hủy do nước dâng lên cao mỗi mùa mưa đến.

Tình trạng sạt lở trên diễn ra đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khắc phục khiến người dân bức xúc, thấp thỏm lo lắng về sự an toàn tính mạng và tài sản của mình. Dọc hai bên bờ sông, người dân hiện vẫn canh tác dâu tằm, cà phê, đa số diện tích đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, đã xuất hiện những mô đất mới đang có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào, ước tính khoảng 30 ha đất sản xuất, đất thổ cư có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa này.

Ông Võ Văn Đào cho biết thêm: “Chính quyền địa phương đã kiến nghị lên cơ quan cấp trên, đề nghị bố trí đất canh tác và phương án đền bù hợp lý cho người dân. Tuy nhiên, việc cấp đất canh tác mới là rất khó vì quỹ đất của địa phương hiện không có. Nếu xây một bờ kè khắc phục sạt lở, ước tính khoảng 26 tỷ đồng thì vượt quá khả năng của địa phương”.


Đặng Tuấn