04:19 28/04/2011

Sắp hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2011 này, việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo trên toàn quốc phải được hoàn thành. Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, mấu chốt quan trọng nhất vẫn là sự nhập cuộc, hỗ trợ của các cấp chính quyền.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2011 này, việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo trên toàn quốc phải được hoàn thành. Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, mấu chốt quan trọng nhất vẫn là sự nhập cuộc, hỗ trợ của các cấp chính quyền.

66% hộ nghèo đã có nhà ở

Ban Điều phối Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho biết: Cả nước hiện có 59 tỉnh, thành phố có đối tượng hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ với khoảng 512.475 hộ. Trong số này có 83.066 hộ thuộc 62 huyện nghèo. Hiện các địa phương đang tổ chức rà soát lại đối tượng thụ hưởng và bình xét, phê duyệt danh sách đối tượng bổ sung với dự kiến bổ sung khoảng 15.000 hộ.

Căn nhà của gia đình ông Vũ Ngọc Bảo, cựu chiến binh, là hộ nghèo ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, đang được xây dựng mới bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Tính đến cuối tháng 3/2011, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 339.805 hộ nghèo, tương đương 1,5 triệu người có nhà ở an toàn, ổn định. Như vậy, đã có 66% số hộ nghèo của toàn Chương trình được hỗ trợ về nhà ở. Điển hình là 62 huyện nghèo đạt tỷ lệ hỗ trợ tới 96,3%, còn tại các tỉnh Tây Nam bộ, số hộ đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ nhà cũng đạt mức 97%. Cả nước có 9 tỉnh hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn theo đề án đã duyệt là: Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông. Một số tỉnh thực hiện đạt trên 75% kế hoạch là: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Điện Biên... Đáng chú ý, một số địa phương tuy có lượng hộ nghèo phải thực hiện hỗ trợ rất lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Sóc Trăng và Trà Vinh nhưng cũng phấn đấu để đạt kết quả rất tốt.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét: So với các chính sách hỗ trợ nhà ở trước đây, giai đoạn này đã có sự đổi mới rõ rệt trong nghiên cứu, xây dựng chính sách cũng như quy định phương thức thực hiện. Vận dụng nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tham gia đóng góp xây dựng nhà ở”, trong quá trình thực hiện đã thu hút sự giúp đỡ có hiệu quả của toàn xã hội; đặc biệt, người dân đã chủ động nhập cuộc, tham gia xây dựng nhà ở cho chính mình. Nhờ vậy, hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích, đa số từ 28 - 40 m2, thậm chí có căn còn đạt tới 50 - 60 m2. Cùng đó, chất lượng nhà cũng vượt yêu cầu quy định, được xây dựng bằng vật liệu có chất lượng tốt: Khung nhà bằng bê tông cốt thép hoặc gỗ, tường xây gạch; mái lợp ngói, fibrô xi măng hoặc tôn; nền lát gạch hoặc láng vữa xi măng... Theo khảo sát của đoàn kiểm tra, các căn nhà đều đảm bảo “3 cứng”, có bao che kín đáo, chắc chắn, đầy đủ cửa đi, cửa sổ. Kiểu dáng, kiến trúc nhà ở cũng phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, vùng, miền. Giá thành các căn nhà đa số khoảng từ 20 - 25 triệu đồng nhưng cũng có căn tới 50 - 60 triệu đồng.

Nhờ có nhà ở an toàn, ổn định nên các hộ nghèo đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cũng như chủ trương xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Khả năng “về đích" là hiện thực

Nếu thống kê trên toàn quốc, số lượng hộ nghèo của các địa phương hiện không còn nhiều. Vì vậy, quyết tâm hoàn thành mục tiêu hỗ trợ cho 100% số hộ nghèo trong cả nước nhiều khả năng đạt được trong năm nay. Hiện vốn ngân sách trung ương đã cấp đủ cho các địa phương theo số lượng đối tượng tại đề án đã phê duyệt. Do đó, số vốn còn thiếu chủ yếu do danh sách phát sinh mới và bổ sung thêm sau khi rà soát theo Quyết định 67 của Chính phủ.

Những hộ nghèo người Dao hạ sơn ở xã Na Khê, huyện Yên Minh (Hà Giang) được Nhà nước hỗ trợ xóa nhà ở tạm. Ảnh: Văn Phát - TTXVN


Tuy nhiên, Bộ Xây dựng – cơ quan thường trực của Ban Điều phối chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở - cho biết: Mặc dù từ tháng 1/2011, Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương tiến hành rà soát lại đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 167 và bình xét, phê duyệt đối tượng bổ sung theo Quyết định 67 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đơn cử như khu vực phía Bắc còn 3 tỉnh là Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định. Do vậy, số liệu tổng hợp chung trên toàn quốc về đối tượng hộ nghèo vẫn chưa xác định chính xác nên không dự toán được số vốn ngân sách nhà nước cũng như vốn vay ưu đãi cần thiết để thực hiện dự án.

Vì vậy, muốn đảm bảo mục tiêu hoàn thành hỗ trợ cho 100% hộ nghèo trong năm 2011, trước mắt, những địa phương chưa hoàn thành công tác thống kê sau rà soát cần chốt danh sách, báo cáo lần cuối trước ngày 30/4 này để tập hợp trình Chính phủ. Đây cũng là cơ sở để lập kế hoạch vốn đề nghị bổ sung.

Ngoài việc bố trí đủ vốn ngân sách theo đúng quy định, các địa phương cần tích cực vận động nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng tham gia ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Việc huy động được nguồn vốn dồi dào sẽ giúp các hộ nghèo làm nhà đảm bảo yêu cầu và vượt quy định về quy mô, diện tích cũng như chất lượng. Trong khi Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có đủ vốn cho vay theo quy định thì tùy điều kiện cụ thể, các địa phương thu xếp ứng trước vốn ngân sách cho vay làm nhà ở để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, sự nhập cuộc của chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, bởi mọi vướng mắc sẽ được giải quyết một cách kịp thời.
Hiện nay, để đảm bảo đồng bộ các nguồn vốn vay và hỗ trợ theo quy định, Bộ Xây dựng đề nghị liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trình Chính phủ bố trí đủ vốn ngân sách trung ương còn thiếu cho các địa phương; đồng thời cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội đủ hạn mức để thực hiện cho vay làm nhà ở cho hộ nghèo.

Thu Hằng