04:17 10/04/2015

Sao thế giới kêu gọi chấm dứt sử dụng sừng tê giác

Diễn viên người Mỹ gốc Việt Lý Mỹ Kỳ đã tới Việt Nam tham gia chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê”.

Ngày 10/4, tại Hà Nội, Tổ chức cứu trợ động vật hoang dã (WildAid) cùng các đơn vị liên kết tổ chức Lễ công bố kế hoạch hành động 2015 và chào đón đại sứ quốc tế, diễn viên người Mỹ gốc Việt, Lý Mỹ Kỳ tới Việt Nam tham gia chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê”.

Đại sứ Lý Mỹ Kỳ cho biết: “Tôi rất buồn khi đọc các tin tức và số liệu về tình trạng giết hại tê giác để lấy sừng tiêu thụ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể trở thành nước đi đầu trong chiến dịch này bằng các hành động mạnh mẽ và cho cả thế giới thấy, chúng ta có thể chấm dứt nạn mua bán trái phép sừng tê giác”.

Đại sứ quốc tế Lỹ Mỹ Kỳ tại buổi họp báo.


Tham gia chiến dịch cùng Lý Mỹ Kỳ còn có các ngôi sao khác như David Beckham, hơn 40 nghệ sĩ, người nổi tiếng trong nước như nhạc sĩ Thanh Bùi, nhạc sĩ Quốc Trung, MC Anh Tuấn…

“Chấm dứt sử dụng sừng tê” là chiến dịch trong 3 năm từ 2014 – 2016, sáng kiến của WildAid nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam. Chiến dịch gồm 3 mục tiêu chính: tăng cường nhận thức về tình trạng săn trộm sừng tê giác, hỗ trợ các nhà lập pháp ở Việt Nam củng cố các hoạt động thực thi pháp luật và giảm đáng kể nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam.

Trong năm 2015, chiến dịch sẽ mở rộng hơn nữa với nhiều đối tác mới và tiếp cận nhiều đối tượng đa dạng hơn. Nhằm tới cả những người đang sử dụng lẫn người có thể sử dụng sừng tê như các chủ doanh nghiệp, bác sĩ và bệnh nhân trong các bệnh viện…

Cùng với đó là sự tham gia của các diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng, nhằm giúp công chúng thay đổi quan niệm sai lầm về tác dụng chữa bệnh không có thực của sừng tê giác, góp phần bảo vệ loài động vật quý hiếm này trước nguy cơ tuyệt chủng.

Để tăng cường nhận thức, WildAid cam kết giúp Việt Nam củng cố các hoạt động thực thi pháp luật. Chiến dịch sẽ cung cấp thêm chó nghiệp vụ được huấn luyện chuyên nghiệp cho Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Hiện hai chú chó đang được huấn luyện tại Hoa Kỳ để có thể giám biệt được nhiều nguồn hơi từ động vật hoang dã, trong đó có sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ hổ, tê tê tại cảng biển Hải Phòng vào tháng 9/2015.

“Rất khó xuyên thủng được bức tường nhận thức sai lầm trong những lời đồn đại xung quanh tác dụng của sừng tê giác đã được xây dựng qua bao nhiêu thế hệ. Tuy nhiên, chúng ta phải làm được việc đó trong vòng vài năm tới nếu muốn cứu tê giác khỏi bị tuyệt chủng”, Tổng Giám đốc Qũy Động vật Hoang dã châu Phi, Tiến sĩ Patrick Bergin khẳng định.

Theo kết quả khảo sát của chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” cho thấy, 75% người trả lời nghĩ rằng sừng tê giác có lợi cho sức khỏe và có tác dụng như thuốc, 61% trong số những người này tin rằng sừng tê giác có thể dùng để chữa bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí, sừng tê giác được hình thành từ keratin, cũng giống như móng tay người mà thôi.


Tin, ảnh: Thu Trang