‘Vì sao quả táo khi rụng lại rơi xuống đất?’

“Tại sao” và càng đặt, càng biết đặt ra nhiều câu hỏi “Tại sao”, đó là cách “ta sẽ phát hiện ra muôn vàn cái mới trong sự việc tưởng như đã quá cũ, đã quá nhàm chán”.

Đây là một trong những gợi ý cho phóng viên trẻ khi mới vào nghề có thể tìm ra cái mới để viết bài trong cuốn “Viết báo dễ hay khó?” của nhà báo Bùi Văn Doanh (Nhà xuất bản Thông tấn, 2017) vừa được xuất bản.

Nhà báo Bùi Văn Doanh.

Trong cuốn sách, nhà báo Bùi Văn Doanh chia sẻ với phóng viên trẻ những vướng mắc có thể gặp phải trong quá trình tác nghiệp, tập trung vào một số kỹ năng cơ bản trong công tác phóng viên, từ chọn đề tài, phát hiện đề tài, xác định chủ đề đến thu thập tài liệu, thông tin và kỹ năng thể hiện sao cho bài viết hấp dẫn, hiệu quả. Có nhiều gợi ý cho phóng viên trẻ khi “bí” đề tài, rút tít khô khan, thể hiện bài chưa hấp dẫn, hay ở lâu một địa bàn khó phát hiện ra cái mới...

Có một điều rất thú vị khi đọc cuốn sách, đó là khác với các cuốn cẩm nang “dạy” hay “hướng dẫn” viết báo, ở đây có một sự thấu hiểu của người làm báo lâu năm khi chia sẻ kinh nghiệm với những người mới vào nghề. Nhà báo Bùi Văn Doanh đã chọn cách thể hiện, cách “chia sẻ kinh nghiệm” rất lạ - dùng hình thức hỏi đáp, trao đổi, như đang trò chuyện. Mà lợi thế của việc chọn hình thức trò chuyện giữa một bên là phóng viên trẻ với một bên là người làm báo đã khiến việc dẫn dắt linh hoạt, mang cả sắc thái biểu cảm của những người trong cuộc. Vì thế, việc trao đổi không còn “thuần túy nghiệp vụ”, mà có cả sự dí dỏm, hài hước để câu chuyện cởi mở, dễ nhập tâm.

Việc chọn hình thức hỏi - đáp đã phát huy lợi thế khi tác giả cuốn sách vào vai “Người làm báo” nói chuyện rất tự nhiên, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, mặc dù cuộc trao đổi về nghiệp vụ làm báo này... kéo dài gần hai trăm trang.

Kinh nghiệm thực tế trong mấy chục năm viết báo cũng như sự “may mắn được các nhà báo lão thành chỉ bảo” (khi công tác ở Báo Quân đội nhân dân và Ban Tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam) đã được hòa quyện nhuần nhuyễn với lý thuyết báo chí làm câu chuyện ngấm dần, ngấm dần, chậm dãi và khó có thể bỏ qua điều gì, với những phóng viên trẻ đang thật sự cần có một người đi trước tận tình “bày cách” viết báo.

Khi trao đổi về vấn đề “Viết cái gì”, nhiều lần, nhà báo Bùi Văn Doanh nhắc đến câu hỏi đầy ngạc nhiên gắn liền với tên tuổi của nhà bác học Newton: Tại sao quả táo lại rơi xuống đất? Việc đặt câu hỏi này là khởi nguồn đến thành công của nhà bác học khi phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn. Và đó cũng là lời dẫn của nhà báo Bùi Văn Doanh khi gợi ý cho các phóng viên trẻ khi đi tìm cái mới trong rất nhiều sự việc đã trở nên quá cũ, tưởng như không còn gì để...viết.

Biết đặt câu hỏi “Tại sao” và tìm ra câu trả lời của nó, dù câu trả lời là có hay không, thậm chí là bị từ chối trả lời hoặc không ai trả lời, thì cũng đã có thể thành thông tin để viết tin, bài. Biết đặt câu hỏi “Tại sao” cũng thể hiện sự nhạy cảm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của người viết báo.

Cụ thể hơn, xin được trích dẫn một đoạn nhỏ của cuộc trò chuyện trong cuốn sách để bạn đọc có thể hình dung chút ít về sự dẫn dắt, vào đề rất khéo khi nói vấn đề lý luận báo chí mà không hề thấy “khô cứng, khó vào”. (Thậm chí, có những đoạn khi đọc, độc giả cũng phải tủm tỉm cười và gật gù, ờ đúng):

“ - Phóng viên trẻ: Người viết báo nói thế thì quá đúng rồi. Nhưng vấn đề ở đây là “thế nào là tình huống có vấn đề”?

- Người viết báo: Hai đội bóng đá thi đấu với nhau, tất cả cầu thủ của hai đội đều tranh cướp bóng để cố gắng đưa bóng vào cầu môn đối phương. Đó là điều bình thường. Nhưng nếu lại có cầu thủ cố tình đá bóng vào lưới nhà thì đó là điều không bình thường và chắc chắn, báo chí sẽ tốn không ít giấy mực về tình huống này...”.

Dẫn dắt từ tình huống cụ thể như thế, tác giả cuốn sách đang gợi cho phóng viên trẻ, hãy biết nhìn ra “cái bất thường ” trong cái bình thường. Chính cái bất thường ấy sẽ là một trong những yếu tố có thể làm nên tình tiết để dẫn đến viết cái gì với một tin, bài. Thậm chí là tin bài đó có “tính phát hiện”, mới lạ và “độc”, như thế tất nhiên bạn đọc không thể không đọc.

Đấy, cách “nói chuyện” nghiệp vụ viết báo của nhà báo Bùi Văn Doanh trong cuốn sách này là như thế. Nhiều vấn đề về nghiệp vụ dần được gợi ra, “bày cách” với một lối diễn đạt thật sáng rõ, dễ hiểu, có thể vận dụng ngay. Trao đổi, trò chuyện không còn chỉ dừng ở chia sẻ kinh nghiệm viết báo nữa mà còn hàm chứa cả sự chân thành và đầy nhiệt huyết, với mong muốn “truyền lửa” cho những thế hệ người viết báo trẻ tuổi, những người đang được sống trong một môi trường làm báo đầy năng động hiện nay.

Nhà báo Bùi Văn Doanh sinh năm 1958, quê Vụ Bản, Nam Định. Bản thân ông là người tự học để viết báo nên rất hiểu những vướng mắc mà những phóng viên trẻ có thể gặp phải. Khi xưa, mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng cụ thân sinh ra nhà báo Bùi Văn Doanh thế nào cũng phải đặt ba tờ báo: Văn nghệ, Thiếu niên và Khoa học thường thức. Cậu học trò vì thế có cơ hội được đọc báo, rồi thành “mê”, và cũng tập tành viết lách. Có khi viết cả trăm bài gửi đi mới được đăng một bài, nhưng mà “sướng”, mà “ham”.

Sau này, khi vào quân ngũ (năm 1976, tại Cần Thơ) rồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam trong Trung đoàn thiết giáp, duyên nghiệp với nghề báo đã đến. Vốn sẵn “tay nghề” từ thuở thiếu thời, hễ đơn vị có hoạt động gì thì viết. Sau đó, chàng trai thành Nam trở thành cộng tác viên của báo Quân đội nhân dân, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, báo Quân khu 9, báo Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Hậu Giang..., được báo Quân đội nhân dân cử đi học đại học báo chí và theo nghiệp báo đến tận bây giờ, đã tròn bốn chục năm.

Nhà báo Bùi Văn Doanh chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý với lớp nhà báo trẻ.

“Thực ra, nếu nói về nghiệp vụ viết báo thì điều quan trọng nhất là việc tìm đề tài, nhất là những đề tài có tính phát hiện. Điều này đòi hỏi sự mẫn cảm nghề nghiệp, kinh nghiệm và cả vốn sống. Nhưng nếu nói về nghề báo, thì vấn đề lương tâm, đạo đức báo chí và trách nhiệm xã hội là quan trọng nhất. Một nhà báo có lương tâm và trách nhiệm xã hội cao mới có thể đồng cảm trước những vấn đề xã hội đang trăn trở, mới có cái nhìn nhân văn, từ đó sẽ đi được vào bản chất của vấn đề và bài viết mới mang tính xây dựng”, nhà báo Bùi Văn Doanh chia sẻ.

Điều đó, theo nhà báo Bùi Văn Doanh, lý giải tại sao, một phóng viên đi thực tế viết về một vấn đề mà mình trăn trở (vì lương tâm và trách nhiệm của nhà báo) và một phóng viên đi thực tế nhưng là do tòa soạn giao (nhiệm vụ của phóng viên), thì chắc chắn sẽ có tâm thế và kết quả khác nhau.

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Các địa phương kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Các địa phương kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017), ngày 16/6, Hội Nhà báo các tỉnh đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải thưởng Báo chí Hội Nhà báo tỉnh năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN