Tết này có ba người

Cái Tết đầu tiên không có Luyện, tôi mới có cảm giác là căn nhà hoàn toàn trống vắng. Ngày đầu tiên không có Luyện, căn nhà giống như một chợ hoang không người lui tới. Tôi đã quen những cái Tết dẫu nghèo, nhưng là cái Tết đầm ấm, là hơi người, là tiếng cười, là tất cả. Căn nhà thiếu bóng đàn ông, thiếu mùi thuốc lá dường như thiếu rất nhiều. Vắng anh, tôi buồn đến độ chỉ muốn uống thật nhiều thuốc ngủ, rồi vùi vào trong chăn mà thiếp đi. Cho mãi mãi lãng quên, cho chẳng bao giờ nhớ đến rằng tôi và anh đã từng có một thời gian dài yêu thương. Kệ cho con phố đang ồn ào tiếng người cười nói rủ nhau đi sắm Tết, kệ mùi nhang bên nhà bên cúng cuối năm xông vào nhà tôi, kệ cả tiếng chuông leng keng của người bán chổi dạo đi bán cuối năm. Tôi kệ tất cả, bởi không có Luyện thì Tết không thành Tết.

Nhớ những ngày đầu tiên không có Luyện, đi ra đi vào đụng nỗi nhớ. Bữa ăn dọn lên vẫn đủ ba cái chén, ba đôi đũa. Tôi và bé Ngọc vẫn ngồi ở chỗ mà hai mẹ con vẫn ngồi, bữa cơm vắng Luyện như thiếu trái ớt cay xè dằm vào chén mắm ngon, chén nước mắm có ngon như thế nào mà thiếu ớt thì cũng kém đi hương vị.

- Em để anh đi. Anh đi vài năm rồi về. Anh có thích gì đâu đất nước xa xôi đó. Nhưng đó là cơ hội để thay đổi cuộc sống.

Ảnh minh họa. Ảnh: BOP


Luyện nói như rót mật vào tai tôi. Tôi không thể cản chân anh được, mà bao nhiêu năm sống cùng với nhau, tôi có cản chân anh bao giờ được đâu? Tôi yêu căn nhà nhỏ như tổ chim của hai vợ chồng hơn những căn nhà to rộng trên phố. Mặc dù khách quen muốn tìm ra căn nhà của chúng tôi phải vòng lên vòng xuống đến năm ngõ hẻm, phải dừng lại gọi điện thoại để hai đứa tôi ra đón. Tôi yêu tiếng gõ đều đặn của hai thanh gỗ va vào nhau của cậu bé mời ăn mì gõ trong đêm khuya. Đói bụng, chỉ cần mở cửa, kêu: “Mì gõ”, lát sau tô mì còn nóng hổi đem tận nơi. Tôi yêu cả xóm xe đẩy nằm chếch không xa trong xóm nghèo nhộn nhạo này. Những người dân tứ xứ đến đây thuê nhà, mỗi người sắm một chiếc xe đẩy, mỗi chiếc xe là cả một cơ nghiệp trên con đường mưu sinh của họ. Thức dậy sớm để luộc khoai, nấu xôi, hấp bánh bao… tùy theo món hàng mà họ buôn bán, cả ngày phải đẩy xe đi khắp mọi nẻo đường thành phố kiếm miếng cơm, nhưng ai cũng vui. Tôi yêu những giấc mơ trong đêm khi tôi choàng tay ôm anh, tôi quen mùi mồ hôi của anh hơn tất cả loại mỹ phẩm nào. Tôi lủi thủi cùng bé Ngọc trong căn nhà vì anh đã lang bạt qua xứ người để thực hiện giấc mơ làm giàu. Tôi yêu cả cái Tết nghèo trong gia đình, nhưng cũng bánh chưng, bánh tét, cũng có rượu, có bia… nhưng không có chia lìa.

Những ngày không có Luyện, tôi buồn như xe cộ trên phố bị mưa rơi. Tôi quen có anh trong đêm để kể chuyện công việc hàng ngày của mình. Nơi tôi làm việc là một nhà trẻ. Thế giới nhà trẻ của tôi cũng có biết bao chuyện để kể. Tôi kể cho anh nghe những gì tôi gặp, đôi khi là một mẩu chuyện thú vị tôi đọc được trên báo. Tình yêu đã làm cho tôi vui biết mấy. Tôi vẫn tự nhủ với lòng là cuộc sống như thế đủ rồi, dẫu lương công nhân của anh đem về chẳng bao nhiêu, dẫu để muốn mua một thứ gì đó trong nhà, hai vợ chồng vẫn phải tính lui, tính tới bao nhiêu lần, dẫu đôi khi đi dự đám cưới phải tính chuyện chỉ một người đại diện đi dự để giảm bớt phần phong bao nghi lễ.

- Em an phận quá. Tại sao thiên hạ giàu có mà mình lại không giàu có?

Khi anh nói như thế, tôi chỉ im lặng. Tôi không thể nói với anh rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Bởi cuộc sống đã chứng minh rằng thượng đế không cho ai trọn vẹn một thứ gì. Tôi và anh đã nhận được thứ mà hai người cần nhất: Hạnh phúc. Với tôi như thế là quá đủ. Nhưng với anh thì điều đó là vô lý.

Vậy là anh đi. Anh đi biệt quên cả mùa xuân đang về trong căn nhà nhỏ chỉ có hai mẹ con tôi.

Đừng có khóc. Tôi nhủ lòng đừng có khóc. Nhưng tôi phải gửi bé Ngọc về nhà ngoại. Nhà ngoại mịt mù ở tận miền Tây, mỗi lần thăm con tôi phải vượt qua một chiếc cầu và một con phà. Nước sông Tiền, sông Hậu cứ trôi cuộn ra khơi xa, mang vẻ buồn muôn thưở. Là tôi nhớ anh.

Tháng thứ nhất anh viết thư về. Thư của những người tha phương là nỗi nhớ quê nhà. Tháng thứ hai lá thư ngắn hơn một tý. Rồi anh gọi điện, tiếng anh ở nơi thật xa vậy mà tôi tưởng như anh đang chở tôi rong chơi trên phố, anh nói phía trước, còn tôi nghiêng tai nghe ở phía sau xe. “Chị có phải là chị Nguyện không? Chị mang chứng minh thư đến nhà số… nhận tiền từ nước ngoài gửi về”. Tôi nhìn những đồng tiền mà chạnh lòng. Tôi đem cất số tiền anh gửi về vào một ngăn kéo riêng. Để anh về xây giấc mộng làm giàu.

Tôi tưởng mình sẽ cạn khô nước mắt khi nhận được lá thư nói lời chia tay của anh: “Có thể anh và em hết duyên nợ Nguyện ạ. Ở bên này có một khoảng thời gian dài anh không làm việc được, ngã bệnh. Anh làm trên một chiếc thuyền đánh cá. Đánh cá ở đây khác với ở Việt Nam mình, tiện nghi hơn, máy móc nhiều hơn. Nhưng ở đâu cũng không tránh khỏi bão tố. Anh đã bị rơi từ trên thuyền xuống biển trong một cơn bão, chân va vào đá ngầm, bị thương…” . Lá thư anh tỉ tê về nỗi cô đơn ở xứ người, rồi anh được gia đình nọ giúp đỡ cho ở nhờ, cuối cùng thì tình cảm nảy nở với Lộc, con của ông chủ nhà cho ở nhờ đó.

Tôi làm đủ thủ tục ly hôn gửi qua cho anh. Tôi từ chối khoản tiền anh gọi là đền bù sau ly hôn. Tôi chỉ giữ lại số tiền anh gửi trước đó. Không phải tôi tự ái hay kiêu hãnh. Chẳng phải vì tiền mà vợ chồng tôi chia lìa, đến độ sự lìa chia vì miếng cơm manh áo đã dẫn tới sự lìa chia của một gia đình?

Tôi đã chịu những nỗi buồn trong mùa xuân lẻ loi…

Tôi quyết định lấy Hoan sau khi lòng tôi đã trở thành một tảng đá. Yêu đến thế, cuối cùng là sự xa cách thì tôi còn tin vào người đàn ông nào ở trên thế gian này? Người quen ở bên đó về, to nhỏ với tôi: “Nhà con Lộc khá lắm, mở cửa hàng bán thức ăn nhanh, hèn chi Luyện quên vợ ở Việt Nam”. Tôi chỉ im lặng, giấu cả cái nhếch môi đau đớn. Luyện còn quên cả Ngọc, con gái anh nữa kia, huống chi tôi.

Hoan đeo cặp kính cận khi đàn. Gương mặt anh chênh chếch trong ánh đèn màu trông rất ngộ. Hoan cũng đã có một đứa con riêng, khác  là vợ anh ly dị nhưng vẫn ở Việt Nam và nhận nuôi con. Trên danh nghĩa anh hoàn toàn độc thân.

Anh đã đến với tôi lúc tôi cô đơn nhất, tôi buồn nhất.

Đêm thành phố cuối mùa đông ồn ào xe cộ, đêm thành  phố ồn ào tiếng cười.  Tôi tan việc, thong dong đi về, chỉ còn dăm ngày nữa là Tết, tôi  tạt vội vào một cửa hàng sắm Tết cho mình. Hoan theo tôi qua những con phố, Hoan theo tôi qua những ngã tư, ngã sáu. Hoan thầm thì:

“Mình về với nhau nhé. Anh sẽ che chở cho mẹ con em”, Hoan nói thế. Tôi đã qua một lần tan vỡ, tuổi tác không còn non trẻ, đâu phải đang phơi phới tuổi thanh xuân mà đắn đo suy nghĩ trước một lời cầu hôn? Hoan nói: “Mùa xuân không có ai được quyền lẻ loi em ạ”.

- Mẹ ơi, đám cưới mẹ sao không có ba? Bé Ngọc xúng xính trong bộ quần áo mới ngơ ngác hỏi tôi. Tôi nắm chặt tay con mà bước, nghe cả bước chân như rất vội vàng. Tôi cưới Hoan khi trời đang chuyển sang xuân.

Bữa cơm Tết năm nay trong gia đình đã đủ ba người, chỗ ghế ngày xưa Luyện ngồi là Hoan. Hoan gắp thức ăn bỏ vào chén của tôi. Bé Ngọc nũng nịu đưa chén cơm của mình chìa ra: “Bỏ cho con nữa”. Tôi thấy lòng mình ấm lại. Ngoài kia mùa xuân đã về rồi.

Truyện ngắn của Phan Thị Tần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN