Tập truyện ngắn kinh dị "Chiếc gương đồng"

Trong một lần nói chuyện cùng tác giả, chị kể rằng, chẳng hiểu sao chị lại dấn thân vào con đường viết văn, nhất là lại ưa thích viết truyện kinh dị. Tác phẩm đầu tay “Người hai mặt” đăng trên báo Hoa học trò khi Di Li là sinh viên năm thứ 2 khoa tiếng Đức trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cũng mang hơi hướng kinh dị.


Sau này, Di Li đã gây nhiều chú ý đến độc giả và ngay cả những nhà văn với tiểu thuyết kinh dị “Trại hoa đỏ”. Tác phẩm này cũng đưa tên tuổi Di Li gia nhập làng văn học với phong cách rất riêng đầy táo bạo và cá tính sáng tạo.

 
Năm nay Di Li tiếp tục cho ra mắt độc giả tập truyện ngắn kinh dị “Chiếc gương đồng” gồm 10 truyện ngắn mà chị viết rải rác trong nhiều năm lại đây, gồm: Ảo mộng (2009), Bến cuối (2007), Bộ tóc giả (2007), Hoa mộc trắng (2001), Vong hồn trên những cánh đồng chết (2007), Bức tranh và ngôi nhà cổ (2007), Giếng (2008), Ma học trò (2006), Điệu Valse địa ngục (2007), Chiếc gương đồng (2010).

Không thể nói, đọc những truyện ngắn này sẽ làm cho người ta sợ chết đi được, nhưng những tình tiết Di Li đưa ra nhằm dẫn dắt người đọc đi theo mạch cảm xúc của nhân vật rất có chủ đích. Ở tình tiết nào tạo cảm giác sợ, là sẽ tạo được cảm giác ấy. Và chỉ cần bấy nhiêu thôi đã làm nên thành công của tác giả rồi.

Những câu chuyện hơi hướng kinh dị này diễn ra trong những bối cảnh hết sức ngẫu nhiên (những thứ ngẫu nhiên luôn là cái cớ tốt nhất để tác giả dẫn dắt câu chuyện). Từ chuyện một nhà sưu tầm gương kỳ dị (Chiếc gương đồng), hay câu chuyện cái xác bị “giam cầm” mấy chục năm trong hầm của một căn nhà ở khu phố cổ không được đem chôn được phát hiện khi một người có trong tay bức tranh vẽ phố cổ đó luôn được trả giá cao nhưng tất cả những ai có ý định mua nó đều bị chết (Bức tranh và ngôi nhà cổ),… cho đến câu chuyện đầy ma quái khi một cô gái bắt chuyến xe buýt cuối ngày, nhưng trên xe chỉ duy nhất có tài xế và chuyến xe ấy đã đi lâu hơn tất cả những chuyến xe bình thường khác (Bến cuối).

Hầu hết nhiều nhà văn đều thừa nhận rằng, theo nghiệp văn chương với họ là duyên nghiệp, Di Li cũng nói vậy. Nhưng số nhà văn theo nghiệp mà viết truyện kinh dị, dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, và nhất là lại ham thích thể loại “rất gai” này thì quả là không nhiều.

Tác giả: Di Li - Nhà xuất bản Phụ nữ


Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN