Mùa sim chín

Mỗi lần dì Út từ quê ngoại xuống thăm thường đem đến nhiều loại trái “cây nhà lá vườn”: Ổi, na, mận…Nhưng tôi thích nhất là những lần trong giỏ trái cây của dì có những quả sim tím mọng gói trong lá chuối.

Sim không ngon như ổi, không ngọt bằng na, không chua như mận, nhưng sim là kết tinh của loài hoa dại, quả chín mọng vào mùa thu. Tôi thích sim không phải vì loài hoa tím dại bạt ngàn đồi núi này đã đi vào thi ca nhạc họa, hay vấn vương trong lời ru bên vành nôi của nhiều thế hệ “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”, mà vì theo lời bà ngoại tôi thì “Khi sim chín là mùa thu tới”. Và, mùa thu cũng là mùa mãn khai của nhiều loài hoa dại.

Tuổi thần tiên ai chả từng đã thăng hoa trong các trò chơi cùng hoa dại mùa thu. Vài cây cải trời (cải dại, cũng có hoa vàng mọc hoang), vài cọng me đất, vài con châu chấu để trong bao diêm… đã có phiên chợ quê ồn ào, náo nhiệt kẻ bán người mua, lợn (châu chấu) kêu eng éc. Chợ tan chúng được chế biến thành đặc sản cải luộc, rau me chua, thịt “lợn” rang chấm muối….và hôm nào có dì Út tôi đến thăm là cả lũ lại được tráng miệng bằng những quả sim tím mọng ngọt lừ.

Rồi cũng hoa cải trời vàng, hoa me đất tím, hoa râm bụt đỏ kết vào nhau thành hoa đám cưới. Dây tơ hồng phủ vàng trên hàng rào cúc tần nhà đầu xóm được vơ về kết thành khăn đội đầu và dán vào áo cô dâu để mỗi bước “cô dâu” đi như cả mùa thu vàng cùng lung linh chuyển động. Còn nhẫn cưới được chú rể “sắm” ở đầu làng nơi cỏ may tím theo gió heo may về mọc kín chân đê. Vài cọng cỏ may đã bện thành đôi nhẫn cưới cho cô dâu chú rể trao nhau.

Bãi cỏ may còn là đấu trường để lũ trẻ thi triển xem ai là người gỡ cỏ may nhanh nhất. Các thí sinh xếp hàng ngang chạy ùa trên vệ đê một đoạn để bông cỏ may bám vào quần rồi ngồi gỡ. Người thắng cuộc sẽ lần lượt được người gỡ chậm nhất cõng chạy một vòng. Mới đầu trò chơi chỉ dành cho con trai. Vì con gái chơi chắc chắn sẽ thua. Mà ai nỡ bắt con gái cõng? Thế nhưng sau nhiều tranh cãi đòi bình đẳng nam nữ cuộc thi được tổ chức thi chung. Oái oăm sao, con gái vì khéo tay hay làm đã toàn thắng trong các cuộc thi tài “gỡ bông cỏ may”. Hơn thế nữa, để thể hiện tinh thần thượng võ (?) con gái còn tha cõng cho con trai…

Từng mùa thu đến - đi.Từng loài hoa dại nở - tàn. Trái sim vẫn căng tròn tím mọng. Cải trời vẫn khoe sắc hoa vàng. Me đất vẫn khoe hoa màu tím. Hoa cỏ may ven đê vẫn kiên trì bám đầy quần khách lại qua đường… Nhưng trò chơi của lũ trẻ thì thưa dần theo năm tháng. Nhìn hoa cỏ may có người thẫn thờ đọc thầm câu thơ “Lòng anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”(Nguyễn Bính), hay thốt bâng khuâng ngâm nga “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng ai có đổi thay” (Xuân Quỳnh).

Nắng đã chuyển hanh vàng cho gió heo may về se lạnh. Mùa thu lại về cùng nắng vàng, gió lạnh để hoa dại khoe màu nở dưới nắng thu. Nhưng bạn chơi xưa nay đã mỗi người một ngả. Không biết có ai từng đi qua những mùa hoa dại năm xưa ấy còn lênh đênh trong ngữ cảnh câu ru bên vành nôi mẹ:

“Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương”?
Đào Quang Bắc
Phố mùa thu...
Phố mùa thu...

Vào thu, không gian dường như lắng lại gợi chút hoài niệm. Góc phố nhỏ xào xạc lá rơi đầy, chất chứa chông chênh bao nỗi niềm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN