Đà Lạt - Mùa hoa dã quỳ

Tôi đã từng đôi lần đến Đà Lạt, nhưng chưa lần nào vào mùa hoa dã quỳ. Lần trở lại này vào đầu tháng 11, Đà Lạt vẫn còn mưa, nhưng đã thưa hơn và nhiều nắng hơn. Khắp các triền đồi, thung lũng và dọc con đường từ sân bay Liên Khương dẫn vào thành phố phủ kín một màu vàng rực rỡ đến nao lòng của hoa dã quỳ.

Hoa dã quỳ là biểu tượng bất tử của tình yêu đôi lứa và lòng chung thủy.


Đã có nhiều truyền thuyết thấm đẫm tình sử của người Cơ Ho kể về loài hoa đặc biệt này, như một biểu tượng bất tử của tình yêu đôi lứa và lòng chung thủy. Còn theo khảo cứu khoa học, thì đó là một loài hoa dại, còn có tên gọi là “cúc quỳ”, “quỳ dại”, “hướng dương dại” hay “cúc Nitobe” vốn mọc nhiều ở các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Mùa hoa dã quỳ bắt đầu từ tháng 9 cho đến đầu tháng 12, khi  Đà Lạt chuyển sang mùa khô, mùa của du lịch và lễ hội. Không đô thị nào ở nước ta lại có nhiều tên gọi như Đà Lạt. Nào là “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “ Thành phố ngàn hoa”… rồi “Tiểu Paris” nữa. Nhưng với người hay mơ mộng như tôi, trước màu vàng  thuần khiết, hoang dại đầy sức sống mãnh liệt của hoa dã quỳ, thì Đà Lạt còn có một cái tên nữa “ Thành phố Dã Quỳ”. Có phải vì thế chăng, mà chính quyền nơi đây đã từng có lần chọn hoa dã quỳ làm biểu tượng cho thành phố, chứ không phải cây thông hay hoa Mimosa lãng mạn, cũng là một loại hoa dại mọc nhiều ở Đà Lạt.

Nói đến Đà Lạt là nói về một thành phố di sản, thành phố du lịch và nghỉ dưỡng, với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng và một quỹ di sản kiến trúc vô giá. Đó là dãy núi Lang Biang, thác Cam Ly, thác Prenn… hồ Xuân Hương, đồi Cù, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, Thiền viện Trúc Lâm… Đó là các công trình kiến trúc như Ga Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt (Nhà thờ Con Gà), Nhà thờ Domaine de Marie, Viện Nguyên tử… các Biệt điện như Dinh I, Dinh II, Dinh III (Dinh Bảo Đại); Biệt thự Trần Lệ Xuân, Nguyễn Hữu Hào… cùng hàng ngàn ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc khác nhau. Như Phong cách kiến trúc Đông Dương với mái nhà thấp, hiên đua rộng, hành lang bao quanh và cửa cuốn vòm; Phong cách kiến trúc tân cổ điển châu Âu, kiến trúc địa phương miền Nam nước Pháp với những mái nhà độ dốc lớn có tầng áp mái, họa tiết trang trí cầu kỳ, phong phú và cả Phong cách kiến trúc hiện đại với những hình khối, bố cục phi đối xứng. Qua bàn tay tài hoa sáng tạo của các Kiến trúc sư người Pháp, biệt thự ở Đà Lạt không cái nào giống cái nào. Và dù chúng nằm lẩn khuất giữa rừng, trên những đồi thông, vườn cây, hay các trục phố, thì những ngôi biệt thự lộng lẫy cũng như các công trình kiến trúc tôn giáo, giáo dục hay công cộng đều rất hài hòa với thiên nhiên, khí hậu và cảnh quan của vùng đồi núi cao nguyên tuyệt đẹp, tạo nên một phong cách kiến trúc có bản sắc riêng rất đặc trưng Đà Lạt, mà không một nơi nào có được.


Lâu rồi, phải đến gần ba năm tôi mới lại gặp nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tại vườn tượng của ông ở Đà Lạt. Năm nay trông ông có vẻ già đi và gầy hơn, nhưng bộ râu và mái tóc rậm, bồng bềnh bạc trắng phủ kín gáy vẫn thế, trông vẫn lãng tử và nghệ sỹ. Vườn tượng nằm trong khuôn viên rộng hơn 2.400 m2 bên cạnh là ngôi biệt thự hai tầng cũ kỹ đã xuống cấp, mà ông được Thành phố cho thuê để ở và làm nơi sáng tác từ năm 2000. Ngoài ngôi nhà ra, phần còn lại là nơi ông bầy, đặt các tác phẩm điêu khắc bằng đá, bằng bê tông đồ sộ của mình. Ngôi biệt thự này xây dựng vào thập niên 40 của thế kỷ trước, giờ cũng đã hơn 70 tuổi, sấp xỉ tuổi chủ nhân của nó bây giờ. Ngôi nhà nằm kẹp giữa đường Yên Thế và đường Hùng Vương, nhưng lối vào chính phía đường Yên Thế, nơi con đường dốc dẫn vào khu rừng thông duy nhất còn sót lại giữa thành phố này, sau những đổi thay của quá trình cải tạo, kiến thiết lại Đà Lạt. Nơi đây cách chợ Đà Lạt-Trung tâm thành phố chừng 5 km, nên rất vắng người qua lại.


Buổi tối, Đà Lạt mù sương, mưa nhẹ và lạnh. Phạm Văn Hạng tiếp tôi trong phòng khách ở tầng một, cạnh đó là phòng ngủ của ông. Trong phòng khách, ông trưng bầy rất nhiều tranh, tượng bán thân của các văn nghệ sỹ nổi tiếng, như các nhạc sỹ: Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Văn Cao, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Dương Thiệu Tước… các nhà văn, họa sỹ: Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, các học giả: Đào Duy Anh, Cao Xuân Hạo, nhà văn hóa Trần Văn Khê… và cả bốn quyển thơ với bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa bằng đồng độc đáo nặng chừng 250 kg, gồm 29 bài thơ do ông sáng tác, được ông dày công gò chữ trên các “trang đồng” trong suốt 5 năm trời. Ông sống ở đây một mình với người cháu họ, cũng là người quản gia, trông nom ngôi nhà và vườn tượng độc đáo mỗi khi ông đi vắng. Phạm Văn Hạng hay đi. Lúc chỗ này, mai chỗ khác. Nhưng ông bảo, đã nhiều năm nay, từ khi chính quyền cho ông thuê chỗ này để ở và là nơi sáng tác, làm vườn tượng, thì dù có đi đẩu đi đâu ông cũng sớm trở về với ngôi nhà cũ kỹ và các bức tượng của mình trong khu rừng thông tĩnh lặng này.


Phạm Văn Hạng cho thêm thanh gỗ thông vào hốc lò sưởi đang rừng rực than hồng, rồi lấy ra một chai rượu rót vào hai cái ly nhỏ mời tôi “ Rượu dâu tôi ngâm đấy. Dâu Đà Lạt nên rất đậm và thơm. Uống đã lắm!”. Ông kể với tôi về những sáng tác mới, về những vui buồn nơi ông vừa đi qua, nhưng nhiều hơn cả, trăn trở hơn cả là về số phận, tương lai của kiến trúc Đà Lạt. Ông bảo, Đà Lạt đang bị xuống cấp nhanh quá. Xuống cấp từ cảnh quan đến di sản kiến trúc. Đấy là cái đáng lo nhất. Thành phố này nổi tiếng là thành phố vườn, thành phố trong rừng, thành phố nghỉ dưỡng và du lịch. Vậy mà từ sau 75 trở lại đây, các rừng thông trong thành phố bị chặt phá hầu hết. Đà Lạt có gần 1.900 biệt thự, đó là quỹ di sản quý giá, nhưng giờ cũng đã bị mất mát, hư hỏng rất nhiều. Cho đến thế kỷ 21 rồi, kinh tế khá lên rồi, mà vẫn còn nhiều biệt thự để hoang lạnh, tiêu điều trên đường Nguyễn Du – Phó Đức Chính, Tương Phố, trong Dinh I và rất nhiều nơi của thành phố. Thật xót xa và lãng phí quá! Đà Lạt không thiếu đất và cũng không thiếu chỗ để cho các sở ban ngành làm việc, vậy mà lại xây một Trung tâm hành chính tập trung trên đường Trần Phú, ngay giữa trung tâm, với 4-5 khối nhà cao đến 7-8 tầng, diện tích mấy vạn m2, tốn đến cả ngàn tỷ đồng?! Ông thở dài, bây giờ mỗi khi có việc phải đi qua đó thấy cái công trình được coi là hoành tráng nhất thành phố mà tức anh ách?! Tôi cũng chia sẻ với ông về những băn khoăn của tôi trước sự phát triển nhanh nhưng hỗn tạp, thiếu kiểm soát đã và đang làm tổn thương đến bản sắc, cảnh quan kiến trúc của Đà Lạt. Ánh sáng hắt ra từ ngọn lửa cháy trong lò sưởi, làm khuôn mặt của nhà điêu khắc già như trùng xuống, khắc khổ đầy ưu tư. Chợt ông đứng lên, lấy cho tôi xem một quyển sách có trang lưu bút viết bằng tiếng Pháp, chữ rất đẹp, tạm dịch: “Tôi không thể nén được cảm xúc của mình khi cuối cùng tôi cũng được nhìn lại ngôi nhà này. Ngôi nhà mà cách đây 60 năm tôi đã cất tiếng khóc chào đời và sống ở đó hơn 3 năm (từ 1952 đến 1955). Sự đón tiếp nồng nhiệt của ông, cũng như sự cho phép để tôi được vào thăm lại ngôi nhà và những tác phẩm nghệ thuật do ông-nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng sáng tạo ra là niềm vinh hạnh của tôi. Nghìn lần cám ơn!”. Dưới thư là chữ ký và tên của hai vợ chồng người Pháp cùng địa chỉ “Sylvain Gateaud và Isabelle.30/12/2011.Số 8, Đại lộ General de Gaulle 67000 Strasbourg- France”. Rồi ông kể cho tôi nghe xuất xứ những dòng lưu bút này. Đó là một chiều cuối năm, lạnh và mù sương, ông bắt gặp hai người nước ngoài tuổi trung niên cứ đi đi lại lại trước ngôi biệt thự có vườn tượng của ông, như muốn tìm kiếm một cái gì. Thấy lâu lâu, ông hỏi, thì được biết người đàn ông và vợ đến từ nước Pháp.Với người đàn ông thì đây là lần đầu tiên ông trở lại Đà Lạt sau hơn 60 năm rời xa nơi đây. Theo bản đồ chỉ dẫn, ông đã tìm thấy ngôi nhà này, ngôi nhà mà bố ông, một viên chức kiểm lâm cùng gia đình đã sống từ cuối những năm 40 và ông được sinh ra ở đây. Dù bây giờ ngôi nhà đã xuống cấp, nhưng so với tấm ảnh chụp mà ông mang theo, thì qua 60 năm, kiến trúc của nó hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc hội ngộ thật bất ngờ và xúc động. Nghe chuyện của Phạm Văn Hạng mà lòng tôi cứ rưng rưng. Thì ra, mỗi ngôi biệt thự trên thành phố cao nguyên này đều ẩn chưa sau nó là những cuộc đời với bao kỷ niệm, ký ức vui buồn. Và liệu có bao  người chủ cũ nặng tình như người đàn ông Pháp kia, bỏ thời gian và tiền bạc bay hàng chục ngàn cây số chỉ để được tìm thấy dù một lần, nơi họ đã sinh ra, gắn bó một thời, hay chỉ tìm thấy một sự hoang tàn, lạnh lẽo…


Khi tôi khép lại bài viết này thì Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố đã tròn một năm. Theo đó, Đà Lạt sẽ được mở rộng gấp 8 lần từ 393 Km2 hiện nay lên tới 3.300 Km2 và lớn gần bằng Hà Nội, mở ra một triển vọng đầy tươi sáng cho thành phố lãng mạn này. Nhưng tôi cứ phân vân, với thực trạng hiện nay, không biết các nhà quản lý liệu có khả năng dẫn dắt Đà Lạt vượt qua các thử thách nghiệt ngã và to lớn trong việc phát triển cùng với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường và bảo tồn di sản văn hóa để Đà Lạt mãi mãi là thành phố vườn, thành phố du lịch và nghỉ dưỡng hay không?


Còn bây giờ, thành phố ngàn thông dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ vẫn đang phủ một màu vàng rực rỡ, bền bỉ đầy sức sống của sắc hoa dã quỳ.

 

(Đà Lạt-rừng thông Yên Thế, mùa hoa dã quỳ)



KTS Phạm Thanh Tùng

 

Khám phá 19 địa danh đạt kỷ lục Việt Nam ở Đà Lạt
Khám phá 19 địa danh đạt kỷ lục Việt Nam ở Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt không còn xa lạ với các du khách nhưng có thể còn nhiều người chưa biết hết 19 địa danh ở đây vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục với 15 hạng mục khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN