“Cooktail thị thành”

Nếu có thể nói một cách ngắn gọn khi đọc “Cocktail thị thành”, gồm một loạt các bài viết hầu hết về “văn hóa sống” của người dân phố thị thời hội nhập, thì đó sẽ là: Di Li đã khai thác gần như không bỏ sót bất cứ một tư liệu nào của cuộc sống qua cách nhìn, sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế của mình đề rồi viết lại nó một cách sống động, phân tích đầy so sánh và nghiền ngẫm. Có một điều đặc biệt là, những thứ cô viết ra, bất cứ ai trong chúng ta hầu như ít nhất cũng đôi lần gặp phải, thậm chí đã trở thành thói quen; có những sự biến chuyển có thể nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày từ chuyện ăn uống, vui chơi, thói quen sinh hoạt, những biểu hiện truyền thống khác trong văn hóa ứng xử vốn đã có tự bao năm cho đến những hành vi thay đổi theo nếp sống thời hội nhập.

Những ghi chép của cô khiến cho người đọc có một cái nhìn toàn diện và hệ thống hơn bởi những suy nghĩ, lập luận “rất có lý” và đầy hiển nhiên. Chẳng hạn trong “Người Việt mua sắm, người Tàu bội thu”, cô nói về thói quen mua sắm của người Việt. Thói quen này chắc hẳn ai ai cũng nhận ra, ngay từ bản thân mình. Dưới lối viết hóm hỉnh và tinh tế, những so sánh của cô trở nên rõ ràng hơn cả. “Cái tâm lý “chưa mua được gì đây này” ám vào hầu hết người Việt khi đi xa.

Chẳng cần phải lang thang giữa những trung tâm thương mại khổng lồ ở Paris, Tokyo hay Bangkok mà ngay cả khi về quê, thế nào ta cũng phải xách lên theo vài nải chuối, chục trứng gà hay rổ bánh với lý do đồ nhà quê chính gốc ngon hơn…”. Cô “lôi” cả những chuyện tế nhị khác ra mà nói như: “Chê vùi dập, khen bốc giời” (nói về chuyện phê bình và bình luận, cách khen - chê sao cho có văn hóa); Tập quán “dùng chung cho vui” (nói tới những thói quen dùng chung mà người phương Tây không hề có như chung quần áo, ngủ chung giường, dùng chung nhà vệ sinh, thậm chí là chuyện đi vệ sinh cũng rủ nhau đi cùng… cho vui); hay “Đùi gà” và “nước cam” nói về những ứng xử văn hóa thanh lịch của nam với nữ, ứng xử của người đàn ông/phụ nữ trong gia đình, từ sinh hoạt nơi riêng tư đến ứng xử nơi công cộng,…

Tất cả những ứng xứ văn hóa trên, khi “lôi” nó ra (dù nó vẫn hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống, chứ không kề bị che khuất hay giấu đi đâu đó), với Di Li hoàn toàn không có ý tọc mạch kiểu bắt lá tìm sâu, mà đơn thuần chỉ là sự ghi chép và quan sát đến kỹ càng, rồi “nói” ra cho mọi người cùng đọc và suy ngẫm mà thôi. Vì thế, mới thấy rằng, với cô, những tư liệu của cuộc sống đã được khai thác triệt để, và hình như, Di Li chẳng bỏ đi thứ gì. Cái gì được cô “để mắt đến” cũng đều trở thành chất liệu đầy thuyết phục trong mỗi bài viết của mình. Toàn bộ những bài viết này của Di Li đã được đăng tải trên chuyên mục “Văn hóa sống” của báo Thể thao và Văn hóa trong suốt thời gian qua.

Tác giả: Di Li  -Nhà xuất bản Phụ nữ

Nhật Hạ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN