Bát canh tập tàng

Nhìn bát cơm trắng như bông mà cháu đem đổ vào thùng rác, bà xót ruột lắm. Lại còn bao nhiêu là thức ăn cũng bị đem đổ đi. Bà chép miệng: Lợn gà chả có, thật phí của giời.


Cháu bà hồn nhiên vô tư hỏi lại: Của mình sao bà bảo là của giời? Của giời đấy cháu ạ! Ngọc thực cả đấy! Phí của giời mười đời chả có! Bà lại đọc câu tục ngữ.


Bà cứ hay chen tục ngữ ca dao vào những lời bà nói hàng ngày. Có câu cháu hiểu, có câu bà phải giảng giải cháu mới hiểu lơ mơ. Bà bảo cữ này ngày xưa là đói lắm, tháng ba ngày tám, tháng giáp hạt, đói dài đói rạc. Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả. Gieo mạ, cấy lúa, chăm bẵm suốt mấy tháng trời dài dằng dặc, không bằng mấy ngày trông mong lúa chín, là bởi trong nhà đã dốc bồ dốc thúng vét những hạt thóc hạt gạo cuối cùng, có khi đã vét từ vài tháng trước đó.


Trời nắng non, người mỏi mệt, cái đói càng cào xé ruột gan. Ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ mắt. Cháu lại há hốc mồm ngồi nghe bà giảng giải. Là thế này: Lúa ngoài đồng phơi mầu, ngậm sữa, rồi vào chắc, bông lúa ném ngang rồi uốn câu. Hạt lúa chín dần, từ từ ngả mầu xanh sang mầu vàng mơ. Ấy là lúc người dân trong làng đói lắm, đói mờ cả mắt.


Đói mà hết gạo thì làm thế nào hả bà? Thì đi kiếm rau dại mà ăn, mà kiên trì đợi lúa trổ, đợi lúa chín thì đúng vụ. Đói thì ăn ngô ăn khoai / Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng. Lúa trổ sớm trái vụ là mất mùa to, phải ăn ngô, ăn khoai mà đợi lúa trổ bông đúng thì đúng vụ. Có ngô khoai ăn đã là phúc, phải kiếm rau mà ăn. Cái thời buổi đã đói thì rau cũng hiếm. Thôi thì cơm sung cháo dền qua bữa. Tìm kiếm những quả sung chát xít, những ngọn, những lá rau rền về nấu, thay cơm thay cháo xì xụp cho qua bữa. Phải chọn những thứ rau lành mà ăn. Trời thương người, sinh ra những thức cây ăn lành dạ, nhưng phải tìm, phải chọn, kẻo nhỡ ăn phải rau độc thì khốn. Đói thì ăn rau má, chớ ăn bậy bạ mà chết. Cái giống rau má là thức ăn lành, lại còn làm thuốc đấy cháu ạ! Thài lài, rau dệu, đều là thức ăn lành, thức ăn sống người những ngày đói kém. Thài lài rau dệu ngấp ngo / Mẹ con nhà khó ăn no lại tìm. Bà toàn nói đến những cây lạ, cháu chưa thấy bao giờ. Bài học sinh vật của cháu cũng chả thấy nói đến. Ăn những thức ấy có ngon không bà? Đói thì phải kiếm mà ăn tạm, đánh lừa cái bụng mà cháu. Nhưng cũng có những thứ ăn mát ruột. Bát canh tập tàng ăn mát ruột lắm. Canh tập tàng ấy à? Là canh nấu bằng mấy thứ rau dại kiếm ngoài đồng ngoài bãi. Những ngọn rau dền cơm, những ngọn tầm bóp, những đọt rau sam, ba bốn năm thứ bòn mót kiếm tìm đem về nấu canh, thả mấy hạt muối trắng vào ăn đã thấy ngọt, nếu có dúm tép khô hay dúm moi khô giã ra cho vào thì bát canh mát ruột lắm. Mắt bà nheo nheo nhìn xa xăm, bà đang nhớ về những ngày xưa thăm thẳm…


Mấy hôm nay bà bị mệt. Bà bưng bát cơm, miệng nhai uể oải, chệu chạo. Cháu nấu cho bà bát cháo thịt với hành. Gạo ngon, cháo sánh và thơm nhưng bà chỉ ăn qua loa. Bà muốn ăn gì để cháu mua về nấu cho bà? Bà nhìn ra khung cửa trải vàng nắng non. Giọng bà như từ phía xa xôi vọng về: Bà thèm bát canh rau tập tàng…


Cao Văn Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN