12:00 19/12/2011

Sản xuất phân vi sinh tại gia đình - hiệu ích nhân đôi

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tất Thắng, huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) tự sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ngay tại gia đình, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng, bón cho cây trồng.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tất Thắng, huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) tự sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ngay tại gia đình, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng, bón cho cây trồng. Biện pháp này đã giúp nông dân phát triển nông nghiệp bền vững, hạn chế việc dùng phân hóa học, cải tạo đất...

Sản xuất phân vi sinh tại gia đình vừa góp phần chủ động nguồn phân bón, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Anh Nguyễn Văn Tiến, xã Tất Thắng cho biết: Được sự hướng dẫn của cán bộ Trạm khuyến nông huyện Thanh Sơn, gia đình đã tự sản xuất thành công phân bón hữu cơ vi sinh từ các phế phẩm nông nghiệp như: Phân trâu, bò, lợn, gà, rơm rạ, cỏ dại, thân cây ngô, đậu, lạc, mía... Loại phân hữu cơ vi sinh tự làm chứa rất nhiều vi sinh vật hữu ích cao, giúp phân giải lân, cố định đạm, khử mùi, kháng khuẩn... Kỹ thuật làm phân đơn giản, giá thành rẻ, chỉ cần 3 tạ phân chuồng, 7 tạ rác thải gồm lá cây, rơm, rạ, rễ cây, thân ngô, lạc.... sau đó hòa tan men vi sinh Emic với nước, tưới đều, rồi dùng nilon hoặc bao tải phủ kín, ủ từ 8-10 ngày mở ra trộn đều 1 lần rồi ủ tiếp 1 tháng nữa, sau đó sử dụng bón cho cây trồng.

Theo anh Lã Thành Tâm, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Tất Thắng, sử dụng chế phẩm men vi sinh Emic để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh sẽ giúp phân giải nhanh rác thải, phế thải nông nghiệp, mùn bã hữu cơ, phân bắc, phân chuồng... thúc đẩy nhanh quá trình mùn hóa, làm sạch nước thải; đồng thời tạo chất kháng sinh hoặc chất ức chế các vi sinh vật có hại như: Vi sinh vật gây bệnh, gây thối; ngoài ra còn làm giảm thiểu mầm bệnh và làm giảm tối đa mùi hôi thối trong chất thải. Loại phân này làm tăng độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt làm cho hàm lượng phốt pho, ka li dễ tiêu trong đất, cải tạo giữ độ ẩm, tăng độ bền của đất nhờ hàng loạt các chu trình chuyển hóa khác nhau do nhiều quần thể vi sinh khác nhau tạo ra.

Kết quả ứng dụng thực tế trên một số cây trồng cho thấy đã làm tăng 25% năng suất cây trồng, giảm 40-50% lượng phân bón hóa học, giảm tới 70% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm các loại nấm bệnh và sâu bệnh, đất được cải tạo màu mỡ trở lại, cây trồng cứng hơn, chắc hạt, sáng quả, tạo ra các mặt hàng nông sản an toàn, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

Trước đây, nhiều gia đình trong xã Tất Thắng sử dụng phân hóa học bón cho cây trồng, mỗi năm chi phí cả vài triệu đồng tiền mua phân bón. Gần đây đồng ruộng bạc mầu phải bón với lượng phân lớn hơn, cây trồng mới phát triển, nếu không sẽ sinh trưởng chậm, năng suất kém dần. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi trở thành vấn đề nan giải đối với nhiều gia đình trong xã. Đặc biệt là rác thải sinh hoạt, rác thải từ các phụ phẩm nông nghiệp ở xã đều bị vứt bừa vãi ra các đường làng ngõ xóm, phân gia súc gia cầm theo nước chảy ra cống rãnh, ao hồ xung quanh rất mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế thải nông nghiệp được triển khai tại xã Tất Thắng đã làm thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người dân, môi trường làng xóm được sạch hơn. Từ chỗ chỉ vài hộ gia đình áp dụng, đến nay mô hình này đã được nhân rộng ra toàn xã, mỗi năm sản xuất ra hàng trăm tấn phân vi sinh, tiết kiệm được nguồn chi phí lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Lâm Đào An