11:22 21/11/2011

Sản xuất lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Lỏng lẻo các mối liên kết

Là quốc gia nông nghiệp, từ lâu Việt Nam luôn xác định sản xuất lúa gạo là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược an ninh lương thực và phát triển kinh tế.

Là quốc gia nông nghiệp, từ lâu Việt Nam luôn xác định sản xuất lúa gạo là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vùng trọng điểm của cả nước. Sau rất nhiều giải pháp, hiện ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang tìm cách để sản xuất lúa gạo tăng trưởng cao và phát triển bền vững.

Bài 1: Lỏng lẻo các mối liên kết

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho liên kết 4 nhà (nhà nông, khoa học, doanh nghiệp và quản lý), ngay từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/Qđ-TTg về khuyến khích liên kết 4 nhà trong việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Quyết định 80 được những người trong cuộc kỳ vọng sẽ gỡ khó cho ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Nhưng sau gần một thập kỷ, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn tiếp tục chịu nhiều “truân chuyên” do chính sự “manh mún” của 4 nhà.

Mỗi “nhà” mỗi hướng

“Được xem như “vựa lúa” của Việt Nam, sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL hàng năm giúp đảm bảo lương thực cho 40% dân số và cung cấp đến 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy vậy, do quy mô nhỏ lẻ và thiếu sức cạnh tranh nên sản xuất lúa gạo vẫn chưa mang lại hiệu quả cao cho chính người nông dân. Việc hình thành và phát triển những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất lúa gạo nặng về tính hình thức mà chưa đi vào chiều sâu, nhất là thiếu tính đồng thuận và ràng buộc cũng như sự hỗ trợ cụ thể từ các bên liên quan”, ông Võ Hùng Dũng, GĐ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ cho hay.

Do thiếu sự liên kết nên người nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: T.Hiếu


Theo khảo sát của ngành chức năng, mô hình liên kết 4 nhà ở vùng ĐBSCL chưa mang tính bền vững, quy mô nhỏ, giá trị sản phẩm nông sản còn thấp. Lợi nhuận của người nông dân chưa tương xứng với công sức lao động bỏ ra khi gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt lúa, chỉ có thu nhập chưa tới 2 USD/ngày. Nhiều mô hình liên kết 4 nhà sau một thời gian thành lập đều tan rã, ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân. Trong liên kết, nhà nước giữ vai trò chủ đạo, trung tâm của liên kết nhưng Nhà nước vẫn chưa tạo ra được một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Riêng nhà khoa học có vai trò hỗ trợ cho cả doanh nghiệp lẫn nhà nông nâng cao năng lực nhưng rất mờ nhạt, vì thế, hoạt động của doanh nghiệp và nhà nông cũng thiếu các nghiên cứu khoa học hỗ trợ của các nhà khoa học khi vắng bóng các cơ quan hay tổ chức nghiên cứu song hành.

Tỉnh An Giang là vùng lúa trọng điểm của ĐBSCL, vốn được xem như một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình liên kết 4 nhà.Thế nhưng, theo ông Đỗ Vũ Hùng, PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do quan hệ về lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các nhà với nhau vẫn chưa rõ ràng nên dẫn đến thực trạng các nhà vẫn chỉ “nhìn” nhau là chính. Nhà doanh nghiệp sợ nông dân không tôn trọng hợp đồng, còn nhà nông luôn cho rằng các doanh nghiệp ép giá… “Chính việc từng nhà không tin nhau, đùn đẩy rủi ro sang cho nhau đã khiến liên kết, đặc biệt là giữa nông dân và doanh nghiệp, thiếu bền vững, chỉ mang tính thời vụ, ngắn hạn, đứt đoạn và làm giảm giá trị sản xuất”, ông Hùng khẳng định.

Nâng tầm “nhạc trưởng”

Theo chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2020, dự kiến sản lượng lúa của cả nước sẽ duy trì ở mức 41 triệu tấn. Với sản lượng trên, Việt Nam có thể duy trì lượng gạo xuất khẩu trên 5 triệu tấn/năm mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Theo ông Dũng, ngành hàng lúa gạo đã và đang đứng trước nhiều vận hội, điều quan trọng là làm sao cải thiện được đời sống nhà nông, góp phần kích thích, duy trì được diện tích canh tác, tập trung ruộng đất để sản xuất theo quy mô lớn, cải tiến công nghệ sản xuất và cơ giới hóa. “Trong điều kiện như thế, vai trò của nhà quản lý trong việc là người cầm trịch đưa ra các chính sách định hướng mang tính chất vĩ mô, hoặc đề ra những giải pháp hỗ trợ là hết sức quan trọng và bức thiết”, ông Bùi Chí Bửu, PGĐ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu chiến lược sản xuất lúa gạo một cách bài bản. Các ngành chức năng vẫn chưa có những phân tích về thị trường lúa gạo một cách có hệ thống, chiều sâu như: Đối tác cạnh tranh, năng lực của doanh nghiệp trong nước, phân khúc thị trường, khách hàng mục tiêu… Trong khi nhìn sang “đối thủ cạnh tranh” Thái Lan đã sớm có chiến lược rõ ràng và thông minh khi chủ trương “không đối đầu” mà chú trọng phân khúc gạo đặc sản có giá bán cao, không thâm canh 3 vụ nhằm giảm những chi phí sản xuất không cần thiết và nhằm bảo vệ môi trường… Theo ông Bửu, chỉ khi nào vai trò người nhạc trưởng được xác lập rõ ràng với những chính sách cụ thể thì vấn đề đầu tư cho nông dân sẽ thực hiện được dễ dàng vì đã có “trọng tài” đảm bảo các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên.

Một diễn biến tích cực khác, trong đề án do Bộ NN & PTNT soạn thảo chuẩn bị trình Chính phủ, Nhà nước sẽ thực sự đảm trách vai trò chỉ huy bằng những cơ chế hỗ trợ thực tế như: Đối với những dự án thiết lập vùng nguyên liệu, ngân sách Nhà nước sẽ được sử dụng để hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở với mức cao nhất tới 30% tổng kinh phí; giảm 20% mức thuế thu nhập cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu… “Bộ NN & PTNT đã đề xuất Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp có cơ sở đào tạo nghề cho nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các tổ chức khoa học, nhà khoa học ký hợp đồng với doanh nghiệp hoặc trang trại, tổ sản xuất để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Với động thái này tôi tin ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ sớm có lối ra sáng sủa hơn”, ông Bửu khẳng định.

Lê Nghĩa

Bài 2: Cải thiện chuỗi giá trị hạt gạo - Việc cần làm ngay