07:09 19/07/2012

Sản phẩm du lịch Việt Nam - làm mới chính mình: Bài cuối: Sử dụng logo và slogan mới sao cho hiệu quả

Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, kể cả tổ chức một cuộc thi lớn nhưng cuối cùng Bộ VH,TT&DL chọn logo và slogan (biểu tượng- tiêu đề): Vẻ đẹp bất tận (Vietnam Timeless Charm) với bông hoa sen năm màu.

Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, kể cả tổ chức một cuộc thi lớn nhưng cuối cùng Bộ VH,TT&DL chọn logo và slogan (biểu tượng- tiêu đề): Vẻ đẹp bất tận (Vietnam Timeless Charm) với bông hoa sen năm màu.

 

Chậm triển khai chiến lược xúc tiến


Dù đã có logo và slogan mới cho giai đoạn tiếp theo nhưng đa phần doanh nghiệp và các địa phương lúng túng trong việc triển khai xúc tiến logo - slogan mới này. Các doanh nghiệp cho rằng: Họ chỉ biết những thông tin này trên báo chí, còn quan trọng hơn là kế hoạch cụ thể ra sao trong việc xúc tiến quảng bá thì không rõ, nên hầu hết họ chỉ lấy logo - slogan mới từ trên mạng rồi in vào ấn phẩm của họ. Thậm chí do thông tin muộn nên nhiều ấn phẩm cho in logo - slogan cũ phải bỏ đi rất tốn kém.


Đó là rất nhiều ý kiến xung quanh việc chậm chạp trong quảng bá logo - slogan mới để doanh nghiệp, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá, cũng như phối hợp với cơ quan chuyên ngành trong việc tạo dựng bộ sản phẩm riêng.


 

Khách du lịch nước ngoài rất quan tâm đến hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm văn hóa truyền thống của Việt Nam.

 

Dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về logo - slogan mới, nhưng điều đáng bàn hiện nay là việc có một kế hoạch quảng bá bài bản, chuyên nghiệp và việc sử dụng khoản ngân sách dành cho chương trình xúc tiến làm sao để chiến lược quảng bá đạt hiệu quả. "Việc quảng bá xúc tiến hiện nay tại Bộ VH,TT&DL đang bị chia năm xẻ bảy nên khó tìm tiếng nói chung”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ. Là người có nhiều năm làm quản lý tại Tổng cục Du lịch, ông Bình cho biết, kế hoạch cấp ngân sách thường chậm và hoạt động theo đơn vị hành chính trong khi xúc tiến du lịch là ngành kinh tế hoạt động theo yếu tố thị trường, mùa vụ và từng thị trường lại có chiến lược xúc tiến khác nhau dựa trên từng đặc điểm của thị trường đó. Việc vận hành theo kiểu bao cấp và chia sẻ nguồn lực khiến xúc tiến du lịch đã yếu nay lại càng yếu.


Những ai đã có kinh nghiệm trong quảng bá du lịch đều hiểu rằng, chỉ logo và slogan là chưa đủ. Ông Kai Marcus Schorter, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn du lịch HTM ví: “Logo - slogan mới chỉ như cái móng nhà. Bất cứ logo - slogan nào cũng không hiệu quả nếu các bạn không quảng bá. Nếu các bạn có logo- slogan mới đẹp đến mấy nhưng không có kiến thức, kỹ năng và tài chính để quảng bá logo, slogan đó thì cũng vô nghĩa. Thái Lan, Malaixia hay Xinhgapo làm khác Việt Nam ở chỗ: Khi có logo - slogan mới hoặc chương trình du lịch mới họ đều đi kèm một kế hoạch quảng bá dài hạn và chi ngân khoản lớn. Cho nên, ngành du lịch Việt Nam cần một chiến lược marketing lâu dài, có thể chia thành nhiều giai đoạn và đi kèm với nó là những tiểu chủ đề khác nhau. Với từng giai đoạn cụ thể, các bạn phải lên kế hoạch quảng bá ở đâu, trên các phương tiện nào, vào thời điểm nào, bao lâu, cần bao nhiêu tiền... để đạt được mục tiêu đề ra. Ở Việt Nam tôi có cảm nhận không có ai chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch quảng bá thương hiệu du lịch”.


Tạo dựng sản phẩm du lịch


Do vận hành theo cơ chế hành chính nhà nước mang nặng tính bao cấp nên cách quảng bá, xúc tiến du lịch lâu nay chưa phù hợp, vẫn theo kiểu bê nguyên chương trình quảng bá dành cho thị trường này áp dụng cho thị trường khác. Trong thực tế, các chương trình quảng bá cho từng thị trường phải có sự khác nhau, bởi nhu cầu, đặc tính ở mỗi nơi là không giống nhau.


“Muốn thành công thì việc đầu tiên là nhắm đúng nhu cầu”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó ban Tiếp thị - Truyền thông (Công ty Vietravel) cho biết, “Logo mới chỉ là yếu tố nhận diện, như một lời mời chào đầu tiên để đưa du khách tiếp cận với du lịch Việt Nam. Do đó, với công tác quảng bá du lịch, nếu chỉ dựa vào một logo - slogan hấp dẫn thôi thì chưa đủ. Bên cạnh công tác quảng bá, điều quan trọng làm nên sức hấp dẫn của mỗi điểm đến chính là sản phẩm du lịch gồm chất lượng dịch vụ, hạ tầng, tour tuyến… Quảng bá và sản phẩm du lịch đi đôi với nhau và với từng thị trường phải có phương án tiếp cận riêng”.


Rõ ràng là nếu chỉ dựa vào một logo đẹp nhưng chất lượng và sản phẩm dịch vụ hay ý thức của người làm du lịch kém thì không thể kéo khách đến nhà. Đại diện Tập đoàn Interface Tourism (Pháp) khi đến khảo sát du lịch Việt Nam đã nhận xét: "Việt Nam có kho tàng văn hóa lịch sử phong phú cùng vô vàn cảnh đẹp mà tạo hóa ban tặng, nhưng chưa biết tận dụng và phát huy lợi thế. Trong số các du khách Pháp đến Thái Lan thì có 1/3 đến lần đầu, 1/3 đến lần thứ hai, số còn lại là khách quen. Trong khi đó, có đến 85% khách Pháp đã đến Việt Nam một lần cho biết sẽ không trở lại”.


Nhận xét của một công ty du lịch hàng đầu của Pháp cũng trùng với nhận định của một nghiên cứu của ngành du lịch khi đánh giá khách đến Việt Nam chỉ để khám phá và có khoảng 80% khách quốc tế một đi không trở lại. Điều đó cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo được những bước đột phá nhờ vào những sản phẩm độc đáo. Nếu sản phẩm du lịch không tốt thì khi về nước, việc nhận xét của du khách từng đến Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn của các du khách tiếp theo. Do đó, bên cạnh việc quảng bá xúc tiến du lịch, việc củng cố sản phẩm du lịch để tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam là điều mà ngành du lịch và các điểm du lịch cần sớm triển khai.


Bài và ảnh: Xuân Minh