09:14 02/09/2011

Sắc mới trên quê hương cách mạng

Cự Thắng được bao bọc bởi những dãy núi đá, xen lẫn một màu xanh bạt ngàn của rừng. Những cánh đồng tuy nhỏ nhưng màu mỡ đã làm đời sống của bà con nơi đây đổi thay từng ngày.

Trong cái nắng chói chang của những ngày tháng 8, chúng tôi về xã Cự Thắng, một trong 6 xã an toàn khu (ATK) thời kháng chiến chống thực dân Pháp của huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Cự Thắng được bao bọc bởi những dãy núi đá, xen lẫn một màu xanh bạt ngàn của rừng. Những cánh đồng tuy nhỏ nhưng màu mỡ đã làm đời sống của bà con nơi đây đổi thay từng ngày.

Ông Đinh Xuân Quy, nguyên Chủ tịch UBND xã Cự Thắng, cán bộ lão thành cách mạng kể lại: Năm 1947, Chi bộ xã Cự Thắng được tách ra từ Đảng bộ Hưng Thắng với 31 đảng viên, do đồng chí Đinh Văn Chu làm Bí thư. Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống cách mạng tiến công, tinh thần yêu nước nồng nàn, nhân dân xã Cự Thắng đã không ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm tổ chức lao động sản xuất, tiếp tế lương thực, vận chuyển vũ khí chuẩn bị cho quân và dân ta tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hòa Bình. Cũng tại ngọn núi này, năm 1960, Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng khu căn cứ dự phòng (gọi là công trình 60) cho cơ quan chỉ huy của Bộ Quốc phòng trong những tình huống đặc biệt.

Trường THCS xã Cự Thắng, được đầu tư hàng trăm triệu đồng, đang trong giai đoạn hoàn thiện chuẩn bị cho năm học mới 2011 - 2012.


Bà Đinh Thị Phước, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Chiến tranh đã đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bức tranh về kinh tế, văn hóa, xã hội của Cự Thắng đã có sự thay đổi cơ bản trên vùng đất cách mạng lịch sử. Đời sống nhân dân ngày được nâng lên, đó là nhờ sự chỉ đạo, định hướng sát sao của chính quyền xã. Những năm qua, Cự Thắng không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến khích nhân dân đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị và năng suất cao vào sản xuất; phát triển trồng rừng, mở rộng ngành nghề, dịch vụ kinh doanh. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng đi lên.

Cự Thắng có tổng diện tích đất tự nhiên 2.958 ha, trong đó có 240 ha đất lúa, hoa màu, còn lại chủ yếu là đất rừng với 2.100 ha. Bài toán phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong những năm qua được Đảng bộ, chính quyền xã Cự Thắng “giải mã” bằng nhiều chủ trương đúng, tạo bước "đột phá" trong phát triển kinh tế như: Tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Xã chủ trương nâng diện tích đất canh tác, vận dụng có hiệu quả các mô hình kinh tế đồi rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho một số cơ sở sơ chế biến nông, lâm nghiệp… Xã đã phối hợp với Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện mở nhiều lớp hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao, tiến hành nhiều mô hình trình diễn để bà con học tập; tạo điều kiện để bà con vay vốn phát triển sản xuất. Các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao đã được gieo trồng thay thế hầu hết những giống lúa địa phương, với năng suất trung bình đạt từ 60 tạ/ha/vụ; thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/năm..., góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 68% năm 2005, xuống còn 31% hiện nay (theo chuẩn mới).

Nói đến thế mạnh ở Cự Thắng, phải kể đến một diện tích lâm nghiệp khổng lồ với 2.100 ha, mức khai thác bình quân mỗi năm 50 ha, chủ yếu là cây nguyên liệu giấy, thu khoảng 2.500 tấn gỗ với doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Nếu như năm 2005, bình quân thu nhập chỉ đạt 4 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên 7,5 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, Cự Thắng đã được đầu tư hàng tỷ đồng cho các công trình điện - đường - trường - trạm và hệ thống các đập, kênh mương thủy lợi. Nhờ đó, 100% học sinh được đến trường học tập, các chính sách hỗ trợ như học phí được miễn, giảm, đặc biệt trường tiểu học và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia năm 2009; 100% khu dân cư có điện lưới quốc gia.

Tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Thắng cho biết: Đảng bộ xã Cự Thắng đang triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 vào cuộc sống. Xã Cự Thắng cũng đã được huyện Thanh Sơn chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới. Bản người Dao Xuân Thắng, là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã, cũng đang được huyện đầu tư nâng cấp đường từ trung tâm xã (tỉnh lộ 316) qua địa bàn Xuân Thắng đi Võ Miếu, với tổng kinh phí 30 tỷ đồng... Đây là những yếu tố quan trọng để đưa Cự Thắng phát triển toàn diện.

Chia tay Cự Thắng khi mặt trời đang dần khuất sau những đồi rừng xanh ngút. Những em học sinh đang tung tăng về nhà, những đàn trâu ăn no, bụng căng tròn đang rủ nhau về chuồng, mõ khua lốc cốc theo nhịp chân trong khói lam chiều lặng trôi. Quê hương cách mạng đang thay da đổi thịt, niềm vui rạng ngời trên từng gương mặt...

Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn