12:08 17/12/2014

Sắc lệnh nhập cư của ông Obama là vi hiến?

Một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết cho rằng sắc lệnh cải cách luật nhập cư mà Tổng thống Barack Obama ký mới đây là vi phạm Hiến pháp.

Ngày 16/12, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết cho rằng sắc lệnh cải cách luật nhập cư mà Tổng thống Barack Obama ký mới đây là vi phạm Hiến pháp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về sắc lệnh cải tổ luật nhập cư ngày 21/11. Ảnh: AFP/TTXVN


Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Thẩm phán liên bang Arthur Schwab tại địa hạt phía Tây bang Pensylvania cho rằng sắc lệnh hành chính ngày 20/11 của Tổng thống Barack Obama, theo đó cấm trục xuất khoảng 4,7 triệu người nhập cư bất hợp pháp, là vi phạm các điều khoản của Hiến pháp Mỹ.

Đây là phán quyết pháp lý đầu tiên liên quan tới kế hoạch cải tổ được mô tả là “sâu rộng chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua” đối với luật nhập cư của Mỹ. Trước đó, ngày 3/12, một liên minh gồm 17 bang của Mỹ, chủ yếu là những bang thánh địa của đảng Cộng hòa, đã cùng ký đơn kiện chính quyền của Tổng thống Barack Obama, cho rằng sắc lệnh hành chính cấm trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp là vi phạm những giới hạn mà Hiến pháp Mỹ quy định về quyền hạn của Tổng thống.

Sau nhiều năm bị phe Cộng hòa ngăn chặn, ngày 20/11 vừa qua, Tổng thống Obama đã "qua mặt" Quốc hội, ký sắc lệnh hành chính cải tổ luật nhập cư. Ông Obama cho rằng vì Quốc hội không hành động và bất hợp tác nên ông phải sử dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất của nước Mỹ để thực thi các biện pháp cải tổ hệ thống nhập cư của nước Mỹ mà ông cho là đã lạc hậu.

Một trong những biện pháp trong kế hoạch cải cách tổng thể của Tổng thống Obama là mở rộng sắc lệnh hành chính năm 2012, theo đó khoảng 4,7 triệu trẻ em các nước nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ 5 năm trở lên có cha mẹ là công dân hoặc cư dân thường trú hợp pháp ở Mỹ, nếu không phải là tội phạm, sẽ được phép ở lại Mỹ mà không bị đe dọa bị trục xuất. Ngoài 4,7 triệu trẻ em còn có khoảng 270.000 người được cha mẹ đưa vào Mỹ khi còn nhỏ, cũng sẽ không bị trục xuất.


TTXVN/Tin tức