10:17 13/10/2010

Rút khỏi Ápganixtan là "thượng sách" của Mỹ

Theo mạng tin "Tình báo hàng ngày" (Mỹ), trong bối cảnh quân Mỹ bị sa lầy tại Ápganixtan, dư luận cho rằng sẽ là khôn ngoan đối với Oasinhtơn nếu họ sớm rút khỏi đất nước vùng Trung Á gai góc này.

Theo mạng tin "Tình báo hàng ngày" (Mỹ), trong bối cảnh quân Mỹ bị sa lầy tại Ápganixtan, dư luận cho rằng sẽ là khôn ngoan đối với Oasinhtơn nếu họ sớm rút khỏi đất nước vùng Trung Á gai góc này.



Giáo sư Kanti Balpal, giảng dạy môn chính trị quốc tế trường đại học mang tên Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho rằng mặc dù các nhà chiến lược Ấn Độ có thể nghĩ rằng Mỹ cần ở lại Ápganixtan cho tới khi nào làm cho Taliban suy yếu và bảo đảm sự ổn định ở đất nước đầy bất ổn này. Tuy nhiên, sẽ là tốt hơn cho Mỹ nếu họ rút càng sớm càng tốt để có thể tập trung vào các vấn đề trong nước và khu vực Đông Á và những thách thức toàn cầu lớn hơn.


Gần mười năm đã trôi qua, Mỹ nên xem xét việc rút khỏi Ápganixtan. Tình thế hiện nay là Mỹ không thua Taliban và Al Qaeda, song cũng không thể nói là thắng các lực lượng cực đoan và khủng bố này. Điều đó giúp chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trên thế giới sẽ càng phát triển. Các lực lượng cực đoan ở Pakixtan sẽ ăn mừng vì sự sa lầy của Mỹ tại Ápganixtan và tăng cường vị thế của chúng ở nước này. Sự có mặt của Mỹ có thể là bức tường thành chống lực lượng cực đoan, song nó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ càng ở lại lâu, Pakixtan càng trở nên cực đoan. Khi nào Mỹ rút hoàn toàn, như một điều tất yếu phải xảy ra, Pakixtan có thể sẽ rơi vào một cuộc nội chiến. Sẽ là tốt hơn nếu Mỹ rút khỏi Ápganixtan ở thời điểm lực lượng ôn hòa vẫn còn cơ hội.

Tất nhiên, Mỹ sẽ phải tiếp tục theo dõi, ngăn chặn và tiêu diệt các hoạt động của Al Qaeda, đồng thời nâng cấp lực lượng vũ trang của Ápganixtan. Oasinhtơn có thể sử dụng sức mạnh không quân, đặc biệt là máy bay không người lái, tiêu diệt những kẻ cực đoan Ápganixtan và Al Qaeda nếu Taliban tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Động thái này có thể ngăn chặn Taliban, đang có những thay đổi và dường như muốn củng cố nền kinh tế chứ không muốn khôi phục chế độ Hồi giáo khắc nghiệt ở Ápganixtan.


Đây là cách hiệu quả và thuận lợi đối với chiến lược chống khủng bố của Mỹ. Việc Mỹ rút khỏi Ápganixtan không phải là một thất bại chiến lược. Sự hiện diện của Mỹ tại Ápganixtan sẽ khiến Mỹ không thể dốc toàn lực vào hệ thống chính trị và kinh tế trong nước, nâng cao vai trò ở Đông Á và giải quyết các vấn đề toàn cầu lớn hơn. Hiện nay, hệ thống chính trị của Mỹ đang trong tình trạng bế tắc, chia rẽ sâu sắc giữa chủ nghĩa cực hữu và chủ nghĩa trung dung. Nền kinh tế Mỹ đang ngập chìm trong nợ (một phần do các cuộc chiến tranh tốn kém ở Irắc và Ápganixtan), tốc độ tăng trưởng thấp và có chiều hướng rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. 


Trong khi đó, Trung Quốc đang nổi lên nhanh chóng. Điều này không hẳn hoàn toàn xấu: Một sự cân bằng quyền lực lớn hơn sẽ giúp ổn định trật tự quốc tế, song không phải là chìa khóa giúp ổn định.


Cuối cùng là Mỹ sao nhãng các vấn đề chung của toàn cầu. Các vấn đề thương mại, tài chính, thay đổi khí hậu, tình trạng cạn kiệt các nguồn tài nguyên, bệnh dịch gây tổn hại tới sự sống trên Trái Đất nguy hiểm hơn nhiều so với các lực lượng khủng bố Hồi giáo. Theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, Mỹ là một siêu cường cực kỳ quan trọng xét về mặt hành động tập thể toàn cầu. Mỹ cần tìm đường trở lại để đối phó với các thách thức chiến lược to lớn và không được để mình bị lạc hướng.


Việc Mỹ rút quân không phải là thảm họa đối với Ấn Độ. Lẽ thứ nhất, Mỹ sẽ không còn bị bất lực trước Pakixtan và sự trợ giúp cho quân đội Pakixtan sẽ giảm đáng kể. Hơn nữa, Niu Đêli cũng đã can dự với Ápganixtan - Pakixtan từ năm 1989 đến 2001. Ấn Độ có thể phối hợp với Iran và Nga và thậm chí cả với Pakixtan để đóng một vai trò tích cực tại Ápganixtan. Ixlamabát cần hợp tác để bảo đảm Niu Đêli không gây mất ổn định tại Ápganixtan, sử dụng những bất đồng giữa Ápganixtan và Pakixtan (có thể chưa lường thấy). 


Hiện thế giới đang phải đối mặt với một nước Mỹ bị chia rẽ về chính trị, đổ vỡ về kinh tế và lung lay về quân sự và lúng túng trong cuộc chiến tranh không cân xứng. Một nước Mỹ thiếu tự tin, với cảm xúc mất dần quyền lực và tính quyết đoán khi đang chiến đấu tại Ápganixtan, sẽ không có lợi cho Ấn Độ và cả thế giới.


Hữu Trung - Phạm Thảo
(P/v TTXVN tại New York(Mỹ) và Ấn Độ)