07:15 17/07/2011

Rừng Nà Pen đang bị "xẻ thịt"

Từ hơn 1 năm nay, cánh rừng tự nhiên khu vực bản Nà Pen (xã Nà Nhạn - huyện Điện Biên) bỗng nhiên bị triệt hạ. Các hộ dân thuộc 4 bản Nà Pen 1, 2, 3 và 4 đua nhau vác cưa máy đến hạ trắng cây cối rồi xẻ thành gỗ, tự nhiên như chặt ... mía trong vườn nhà.

Từ hơn 1 năm nay, cánh rừng tự nhiên khu vực bản Nà Pen (xã Nà Nhạn - huyện Điện Biên) bỗng nhiên bị triệt hạ. Các hộ dân thuộc 4 bản Nà Pen 1, 2, 3 và 4 đua nhau vác cưa máy đến hạ trắng cây cối rồi xẻ thành gỗ, tự nhiên như chặt ... mía trong vườn nhà.

Những người buôn bán gỗ từ các nơi ngang nhiên đưa xe vận tải đến chở đi tiêu thụ.

Vượt qua cây cầu treo lắt lẻo dưới ngã ba trên quốc lộ 279 - đầu mối của con đường độc đạo đi vào vào bản Nà Pen, chúng tôi phải vượt quãng đường đất dài hơn 10km dốc lên xuống dựng đứng, quanh co với những “sống trâu” trơn tuột chỉ vừa một bánh xe máy.

Các cánh rừng khác bên cạnh tiếp tục có dấu hiệu bị chặt phá để làm nương- ảnh Quốc Hùng


Sau gần 1h vật lộn với con đường vừa qua trận mưa, chiếc xe máy loại đi địa hình chở 2 anh em hết quay ngang lại quay dọc, nhiều lúc đuôi “đòi đi trước đầu” mới đến khu vực trên.

Trở lại nơi này sau gần 2 tháng, nơi là cánh rừng già trước đây, giờ trở thành những đám nương lúa mọc lưa thưa như thách thức chính quyền địa phương. Chứng tích một khu rừng xum xuê, bạt ngàn cổ thụ trước đây giờ chỉ còn lại các gốc cây, loại lớn có đường kính từ 50- 60 cm, thân đã bị mang đi hết. Những cây nhỏ hơn bị đốn hạ nằm la liệt, đốt cháy đen nhẻm nằm la liệt xen giữa đám lúa nương. Bằng mắt thường quan sát, diện tích bị chặt hạ ước khoảng 4- 5 ha, căn cứ vào những gốc cây còn lại và cánh rừng bao bọc xung quanh, có thể nói đây là rừng tự nhiên có đến vài chục, thậm chí cả trăm năm tuổi.

Chỉ cách đây 2 tháng khi chúng tôi tới, nơi này còn là một “đại công trường” tấp nập người đang bận rộn với việc chặt đốn những thân gỗ, thu gom cành cây. Tiếng máy cưa người dân dùng xẻ gỗ làm không khí trở nên ồn ào, náo động cả một góc rừng già vốn dĩ rất yên bình trước đây. Điểm vào đó là những cột khói bụi do đốt cành lá cây theo chiều gió lan toả khắp nơi, vươn lên thành cột cao đến hàng chục mét. Mặt đất nằm la liệt các gốc cây còn thừa lại và những thân cây lớn đang được người dân cưa cưa xẻ ra thành hộp vuông vức để bán cho khách chưa được tẩu tán.

PV Xuân Tiến kiểm tra kích thước cây bị chặt hạ tại rừng Nà Pen- ảnh Quốc Hùng.


Gặp ông Mùa Giống Ca ở bản Nà Pen 2 cùng vợ đi nhổ mạ trên đám ruộng nước, ông cho biết: gia đình ông làm ruộng ở đây từ hơn 20 năm. Trước đây khu vực này có nhiều rừng, song hơn 1 năm nay được chính quyền cho phép khai hoang nương, ruộng nên các hộ của cả 4 bản rủ nhau đến phá rừng, mỗi nhà được thêm 700- 800m2. Gỗ từ rừng xẻ ra được các Trưởng bản gom lại, bán cho người dưới trung tâm các xã Nà Nhạn, Nà Tấu (các xã phụ cận), họ đưa xe ô tô đến chở về làm nhà... Rừng này trước đây chủ yếu là cây sấu và cây gỗ ngứa (còn gọi là Mạy Thồ lộ), 2 loại gỗ rất tốt để làm nhà.

Quay trở lại trụ sở UBND xã Nà Nhạn, chúng tôi được ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã trả lời: Khu vực này đã được tỉnh và huyện khảo sát và qui hoạch để khai hoang ruộng nước. Từ năm 2003, công trình đập đầu mối và mương dẫn nước đã được thi công với chiều dài 5.800m, tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng và hoàn thành vào cuối năm 2010. Mục tiêu của công trình này là dẫn nước vào để khai hoang khoảng 35- 50 ha ruộng bậc thang phía dưới mương nhằm xoá đói giảm nghèo cho dân cư trong khu vực.

Tuy nhiên, việc chặt phá rừng vừa qua là do dân “Cầm đèn chạy trước ô tô” chứ chưa cơ quan nào có thẩm quyền cho phép như vậy. Ông Sơn thừa nhận xã cũng có “cái sai” là không thường xuyên theo dõi, tuyên truyền vận động và có biện pháp ngăn cản bà con thực hiện hành vi trên. Song vì họ làm vào ban đêm, lại dùng cưa máy (chạy bằng xăng) theo kiểu cuốn gói nên phá rất nhanh. Hơn nữa khu vực này lại có đường ô tô đến tận nơi, đêm hôm anh em mất cảnh giác nên không phát hiện ra. Xã đã báo cáo với Kiểm lâm xử lý được... 2 trường hợp.

Thực tế mà nói, chính quyền không thể kiềm chế được sự tự phát của người dân vì bản ở xa trung tâm, ý thức của người dân kém nên chỉ cần mỗi nhà “làm” một tý, trong một vài ngày đã phá đi rất nhiều rừng. Thực trạng này xã đã báo với huyện và cũng cho cán bộ vào nắm tình hình và tuyên truyền. Nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra vì họ tranh nhau phá rừng lấy đất để khai hoang, chứ không phải làm giàu bằng gỗ lạt.

Còn ông Quàng Văn So, Bí thư Đảng uỷ xã Nà Nhạn lại cho rằng: quan điểm của Đảng uỷ xã thống nhất với qui hoạch của ngành Nông nghiệp tỉnh và huyện là chỗ nào không có rừng thì khai hoang trước, nơi có rừng sẽ chờ quyết định của cấp trên. Việc tự ý phá rừng của dân Nà Pen, Đảng uỷ xã cũng có nghe nói, song chưa thấy UBND xã và nhân viên Bảo lâm báo cáo nên còn chờ có đủ thông tin mới có hướng chỉ đạo giải quyết.

Ngay như ông Mùa A Hừ, Phó chủ tịch UBND xã là người sống ngay tại bản Nà Pen 1 cũng trả lời rất vô tư rằng: “dân tự ý chặt phá rừng vì trước sau khu vực này cũng qui hoạch để làm ruộng”.

Theo qui định, để chuyển đổi một diện tích đất, nhất là đất rừng vào mục đích khác, các cơ quan chức năng phải lập qui hoạch, tiến hành đo đạc, qui chủ, phân loại rừng... Chính quyền cấp tỉnh ra quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng. Cây cối hoa màu và các tài sản trên đất phải được các cơ quan chức năng thẩm định giá rồi quyết định cho một đơn vị khai thác tận thu, nộp vào ngân sách Nhà nước.

Vậy mà rừng Nà Pen lại bị người dân địa phương tự ý triệt hạ, tiền bán gỗ bỏ vào túi cá nhân, trong khi chưa hề có một quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền nào phê duyệt cho phép xử lý. Nghiêm trọng hơn là nếu người dân đã chặt phá được một cánh rừng mà không bị ngăn cản, sẽ “thừa thắng” triệt hạ tiếp những cánh rừng bên cạnh để vừa có thêm đất làm nương rẫy, vừa bán được gỗ lấy tiền bỏ túi thì hậu quả lâu dài sẽ ra sao?

Chu Quốc Hùng