06:22 21/06/2015

Robot - Đáp án cho bài toán thiếu hụt lao động

Mặc dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng một số khu vực của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Vì vậy, có một xu hướng đang dần trở nên phổ biến là sử dụng robot thay thế con người.

Mặc dù là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng một số khu vực của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Vì vậy, có một xu hướng đang dần trở nên phổ biến là sử dụng robot thay thế con người.

Nhờ lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công rẻ, Trung Quốc đã thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài và trở thành “công xưởng của thế giới". Tuy nhiên, câu chuyện này đang dần thay đổi, khi lượng lao động ngày một giảm sút. Theo Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), số người trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 tại nước này lần đầu tiên giảm 3,45 triệu người vào cuối năm 2012 và giảm thêm 2,27 triệu người vào năm 2013. Cựu quan chức thuộc NBS Ma Jiantang cho rằng xu hướng giảm lực lượng lao động sẽ còn tiếp diễn cho đến năm 2030.

Quang cảnh bên trong “nhà máy robot” đầu tiên tại Dongguan của EPTC.


Giám đốc nhân sự của một nhà máy ở thị trấn Houjie, thành phố Dongguan (thuộc tỉnh Quảng Đông) cho biết số lượng công nhân nhập cư tìm việc đã giảm ít nhất là 20% trong năm nay. Trong khi đó, chi phí lao động tại thành phố này tăng 20%/năm. Khi không còn những lợi thế như lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, các công ty quyết định chuyển sang sử dụng robot để giảm chi phí sản xuất.

Là một trong những trung tâm chế tạo lớn nhất của tỉnh Quảng Đông, thành phố Dongguan đang đối mặt với tình trạng "khát" lao động, khi thiếu tới 100.000 nhân công. Trước tình hình này, “nhà máy robot” đầu tiên tại Đông Quảng thuộc sở hữu của Công ty công nghệ Evenwin Precision Technology Company (EPTC) đã ra đời. Tại đây, 1.000 cánh tay robot sẽ thay thế gần 2.000 công nhân. Hiện nay, 100 cánh tay robot đã được đưa vào sử dụng, còn 900 cánh tay robot khác sẽ được lắp đặt. Giám đốc điều hành EPTC, Ren Xiangsheng cho biết với chưa tới 200 công nhân để vận hành và bảo dưỡng các cánh tay robot, công ty này vẫn có thể đạt được sản lượng vốn đòi hỏi hơn 2.000 lao động.

Nhận thấy tính hiệu quả trong việc sử dụng máy móc công nghệ cao, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã quyết định đầu tư 943 tỷ NDT (152 tỷ USD) để thay thế sức người bằng robot trong vòng ba năm. Theo kế hoạch công bố hồi tháng 3/2015, robot sẽ được sử dụng tại 1.950 doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau như sản xuất ô tô, đồ gia dụng, dệt may, đồ điện tử và vật liệu xây dựng vào năm 2017. Chính quyền thành phố Dongguan cũng thành lập quỹ 600 triệu NDT để khuyến khích các công ty địa phương lắp đặp robot trong vòng ba năm tới, với mức trợ cấp lên tới 15%. Cũng tại thành phố này, một chương trình lắp đặt robot trị giá 4,2 tỷ NDT sẽ giúp các doanh nghiệp địa phương tiết kiệm hơn 30.000 nhân lực. Chính quyền địa phương khẳng định chi phí cho việc thay đổi sức người bằng robot sẽ được bù đắp lại trong vòng hai năm.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ robot của Trung Quốc khá lớn, song nước này vẫn tụt hậu so với các nước khác trong công nghệ robot và phải nhập khẩu các linh kiện quan trọng. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, Trung Quốc sẽ nhập thêm 1,55 đến 3,44 triệu robot công nghiệp trong vài năm tới. Điều này có nghĩa là quốc gia này sẽ trở thành thị trường robot lớn nhất thế giới. Li Yuewei, Giám đốc phụ trách tiếp thị của một công ty công nghệ robot có trụ sở tại Thâm Quyến nhận định nhu cầu sử dụng robot gia tăng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư vào ngành này, đồng thời khuyến khích những đổi mới sáng tạo trong nước.
Phương Anh - Trà My