11:23 01/11/2011

Rơ Ma Bơn đi đầu trong phong trào "xóa đói, giảm nghèo" ở làng Chan (Gia Lai)

Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, bà con làng Chan thuộc xã Ia PNol (huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn ghi nhận công lao của ông Rơ Ma Bơn - người đã có công rất lớn trong việc giúp dân làng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc ở buôn làng.

Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, bà con làng Chan thuộc xã Ia PNol (huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn ghi nhận công lao của ông Rơ Ma Bơn (ảnh)- người đã có công rất lớn trong việc giúp dân làng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc ở buôn làng.

Cả làng Chan chỉ có chừng trăm hộ người dân tộc J'rai, trước đây cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, cơm ăn bữa đói bữa no, đau ốm, bệnh tật triền miên. Nay cuộc sống của dân làng khá giả hơn nhiều, không ai còn đói ăn, thiếu mặc, nhiều hộ đã xây dựng được nhà ở kiên cố và mua sắm nhiều loại phương tiện sinh hoạt trong gia đình như xe máy, giường tủ, bàn ghế...100% con em trong độ tuổi đều đến trường lớp học, bà con có đau ốm thì đến cơ sở y tế điều trị miễn phí. Tất cả là nhờ ông Rơ Ma Bơn.

Năm 1985, ông Rơ Ma Bơn là người đầu tiên của làng Chan dám phá bỏ tục lệ của người J'rai hiến đất của nhà mình 5 ha giao cho Công ty cao su 72 (Binh đoàn 15) để trồng cây cao su và tự nguyện vào làm công nhân trong đơn vị. Lúc bấy giờ dân làng phản ứng dữ dội và cho rằng, thằng Bơn bị con "ma rừng" nhập vào người nên làm những điều bậy bạ và thế nào cũng sẽ bị Yàng (Trời) trừng phạt thôi. Rơ Ma Bơn không ngại những lời nói này của bà con dân làng, cũng như sự trừng phạt của Yàng, mà khẳng định: Việc làm của mình là đúng, chỉ có theo cán bộ làm cao su mới thoát nghèo một cách bền vững được.

Ông Bơn còn vừa làm vừa vận động dân làng cùng theo mình. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", ngày càng có nhiều hộ trong làng tự nguyện "đầu quân" cho công ty. Tuy nhiên, thời gian đầu cây cao su còn đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và chưa đến tuổi cho khai thác, nên mức thu nhập của công nhân dân tộc còn thấp, cộng với sự nặng nề của tập tục lạc hậu, cho nên họ vẫn làm theo kiểu tự do, muốn thì làm còn không thì nghỉ. Có thời kỳ cao điểm vào năm 1988, bà con bỏ buôn làng và cả việc làm chăm sóc cây cao su kéo nhau vào rừng để khai thác vàng, họ che chòi tạm bợ tại rừng để sinh hoạt và đãi vàng trong một thời gian dài.

Trước thực tế này, ông Bơn xin phép công ty tạm nghỉ để cùng vào trong rừng - nơi bà con đãi vàng "cùng ăn, cùng ở" để vận động và thuyết phục bà con trở lại với buôn làng và chăm sóc cây cao su. Dần dà rồi bà con cũng nghe theo lời ông Bơn và trở về buôn làng, cuộc sống bắt đầu ổn định và phát triển. Hiện nay, trong làng có 14 hộ có lao động vào làm công nhân cao su trong công ty, số hộ còn lại cũng được đơn vị hỗ trợ và giúp đỡ về nhiều mặt như cây giống, phân bón... để cải tạo lại quỹ đất canh tác đưa vào trồng các loại cây kinh tế cho năng suất và hiệu quả cao.

Ông Rơ Ma Bơn năm nay 54 tuổi và có 4 người con đã trưởng thành, cả 4 đều được Công ty cao su 72 tiếp nhận vào làm công nhân và đều có cuộc sống khá sung túc. Trong quá trình tham gia làm công nhân cao su, ông Rơ Ma Bơn đã nâng cao được kiến thức trong lao động sản xuất và áp dụng vào trong cuộc sống của gia đình mình. Ngoài tiền thu nhập hàng tháng từ cây cao su, ông Bơn còn đầu tư mở rộng sản xuất trên quỹ đất canh tác bỏ hoang hóa trước đây để đưa vào trồng các loại cây kinh tế. Hiện gia đình ông có 1 ha cao su tiểu điền, 6 sào cà phê, 4 sào tiêu với mức thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/tháng. Ông đã làm lại ngôi nhà mới kiên cố và mới đây còn mua thêm 1 chiếc xe máy cày với giá trị 120 triệu đồng, phục vụ sản xuất cho gia đình và giúp cộng đồng trong làng trong khâu làm đất và vận chuyển.

Bài và ảnh: Văn Thông