01:22 28/01/2015

'Rau chợ' vào siêu thị

Vụ lùm xùm đưa ra “rau chợ” vào một loạt siêu thị tên tuổi như Metro, BigC, Lotte Mart... để thành “rau sạch” của Công ty TNHH Ba Chữ vừa được phát hiện một lần nữa làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường rau sạch.

Vụ lùm xùm đưa ra “rau chợ” vào một loạt siêu thị tên tuổi như Metro, BigC, Lotte Mart... để thành “rau sạch” của Công ty TNHH Ba Chữ vừa được phát hiện một lần nữa làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường rau sạch.

Sử dụng rau an toàn trong mỗi bữa ăn đang là nhu cầu bức thiết trong cuộc sống và được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm khi hiện nay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng hóa chất phun cho rau, quả là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, hàng loạt các cơ sở lợi dụng danh nghĩa kinh doanh rau an toàn, nhưng lại đưa rau bẩn vào bán khiến niềm tin của người tiêu dùng vào việc sử dụng rau an toàn vì thế mà ngày một phai nhạt.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Thế Anh - TTXVN


Cách đây chưa lâu, khi thực hiện kiểm tra việc kinh doanh rau an toàn tại một số siêu thị ở Hà Nội, lực lượng liên ngành đã phát hiện tại nhiều siêu thị, cửa hàng đã vi phạm về nhãn mác, niêm phong, bao gói, đặc biệt là vi phạm về nhập nhèm về nguồn gốc. Doanh nghiệp vì cái lợi của mình mà sẵn sàng đánh đổi sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Với vụ việc của Công ty Ba Chữ, thì gần một năm qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã ngừng cấp tem nhãn rau an toàn cho công ty này. Tem nhãn mà công ty này sử dụng là do họ tự in. Nếu tính giá rau thu gom tại các chợ đầu mối dao động ở mức giá 5.000 - 6.000 đồng/kg (ở thời điểm hiện tại), được Công ty Ba Chữ giao cho các siêu thị với giá bình quân 10.000 đồng/kg, thì không khó tính được khoản tiền chênh lệch lớn thế nào.

Điều đáng nói, hành vi kinh doanh gian dối vừa nêu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những đơn vị sản xuất, kinh doanh rau sạch chân chính. Bởi muốn sản xuất rau an toàn, thì người trồng rau phải tuân thủ một quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tuyệt đối không được sử dụng một loại hóa chất nào, mà chỉ được sử dụng các hóa chất hữu cơ và sinh học.

Trước những quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại, các nhà quản lý và cả nhà phân phối (ở đây là hệ thống các siêu thị) đã thể hiện trách nhiệm của mình nhằm ngăn chặn sớm nhất những hành vi đầu cơ trục lợi của một số doanh nghiệp hay chưa? Điều cần nhấn mạnh ở đây là trách nhiệm và lương tâm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, nhất là đang là thời điểm cận Tết Nguyên đán, vấn đề ngăn chặn thực phẩm bẩn càng cần phải sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Từ sự việc vừa nêu, có thể thấy, đây không chỉ là lỗi của Công ty Ba Chữ, mà cần xem xét cả trách nhiệm của các siêu thị và cơ quan quản lý nhà nước. Câu hỏi được đặt ra, dù biết rõ Công ty Ba Chữ thu gom rau trôi nổi ở các chợ đầu mối, nhưng một số siêu thị vẫn nhập hàng của công ty này? Trách nhiệm của cơ quan quản lý chắc chắn cũng không thể vô can khi chỉ xử phạt đơn vị sai phạm, rồi lại cho phép họ được tiếp tục kinh doanh? Phải chăng vì lợi nhuận mà một số siêu thị đã cố tình làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho hành vi kinh doanh gian dối của công ty nói trên và làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng?

Đây là câu hỏi đang được dư luận quan tâm và cần câu trả lời từ các cơ quan chức năng.   


Y.N