03:10 26/03/2011

Rạn nứt

“Chia rẽ” và “rạn nứt” có lẽ là những từ được giới phân tích quốc tế nhắc đến nhiều nhất trong những ngày này khi đề cập tới chiến dịch “Bình minh Odyssey” của liên quân Mỹ - Anh – Pháp nhằm vào Libi.

“Chia rẽ” và “rạn nứt” có lẽ là những từ được giới phân tích quốc tế nhắc đến nhiều nhất trong những ngày này khi đề cập tới chiến dịch “Bình minh Odyssey” của liên quân Mỹ - Anh – Pháp nhằm vào Libi.

Sự chia rẽ ở đây không chỉ giới hạn trong nội bộ từng nước tham chiến mà còn thể hiện ở cấp độ cao hơn – đó là sự chia rẽ giữa các nhóm nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đi tìm căn nguyên của sự rạn nứt này không phải là quá khó!

Máy bay ném bom B-2 Spirit của Không quân Mỹ trở về căn cứ ở Missouri sau khi tham gia chiến dịch "Bình minh Odyssey". AFP/TTXVN

Với người dân và chính giới Mỹ, đó là bài học đau thương từ chiến trường Ápganixtan và Irắc, là những khoản chi phí khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn chống chếnh sau khủng hoảng. Rõ ràng, vào thời điểm này, Mỹ hoàn toàn không cần thêm một cuộc chiến nữa và vai trò “sen đầm thế giới” mà lâu nay Oasinhtơn vẫn tự nhận với người dân và chính giới lúc này là thứ yếu.

Với các nước EU và NATO, sự chia rẽ nội bộ thể hiện qua những tuyên bố trái chiều của các nước, là sự thoái thác trách nhiệm đảm nhận vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libi. Sau khúc dạo đầu cùng với tuyên bố hào nhoáng về sứ mệnh áp đặt vùng cấm bay, vấn đề đối với liên minh chống Tripôli hiện nay không chỉ là thay đổi chế độ mà còn là xác định chiến lược cho cuộc chiến tranh tại đây. Mỗi nước đều có những toan tính riêng trong các quyết định của mình nên chia rẽ là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, căn nguyên lớn nhất là vũ lực không bao giờ là giải pháp thỏa đáng cho bất kỳ cuộc xung đột nào, nhất là khi những hành động quân sự này gây tổn thất cho dân thường. Chiến tranh đồng nghĩa với thương vong không đo đếm được và thiệt hại vật chất. Thực tế đã chứng minh chiến tranh chỉ có thể khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa các dân tộc, tô đậm sự hằn thù sắc tộc và để lại những vết nhơ trong lịch sử nhân loại.

Chỉ có đối thoại tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở triệt để tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia mới giúp tháo ngòi nổ, đảm bảo lợi ích của người dân. Vậy nên, bom đạn của liên quân dội xuống Libi khi nhân danh bảo vệ người dân gây chia rẽ đến vậy cũng là dễ hiểu!

Phương Hồ