Để có góc nhìn toàn diện về tình hình ứng dụng thương mại điện tử Việt Nam dưới tác động của dịch COVID-19 trong bức tranh chung thương mại điện tử toàn cầu cùng với các quy định pháp luật mới có hiệu lực, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa ra mắt ấn phẩm Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022.
Tương tự như những ấn phẩm được xuất bản trước đây, nội dung Sách trắng được xây dựng từ kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp, cùng với số liệu tổng hợp từ một số tổ chức có uy tín trên thế giới.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 được kỳ vọng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các đơn vị từ quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến phát triển thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
Nội dung Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 bao gồm 5 chương; trong đó Chương I cập nhật chính sách pháp luật và tình hình quản lý thương mại điện tử tại Việt Nam. Chương II nêu tổng quan tình hình thương mại điện tử thế giới và khu vực Đông Nam Á. Chương III thông tin về người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử. Chương VI nêu tình hình ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp. Chương V nêu tình hình hoạt động của các Website, ứng dụng thương mại điện tử.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2021, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm. Tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Bước sang năm 2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực.
Khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.