01:11 08/01/2011

"Quýt" làm "cam" chịu

Cũng là thân con gái, nhưng người ta là “hạt mưa sa vào giếng nước trong”, còn tôi thì “sa” đúng phải “vũng bùn”.

Cũng là thân con gái, nhưng người ta là “hạt mưa sa vào giếng nước trong”, còn tôi thì “sa” đúng phải “vũng bùn”.

Hồi mới tìm hiểu, chồng tôi là người hiền lành, tốt bụng, chỉ tội tính hơi cục cằn. Con gái ở quê, học hành ít ỏi nên mười tám đôi mươi đã tính chuyện lập gia đình; quá một chút là ế, là chẳng ai để mắt tới.


Tôi cũng không dám đi chệch khỏi quy luật ấy. 20 tuổi lấy chồng, 24 tuổi đã có hai đứa con, sống cùng một ông chồng cục cằn, thô lỗ, động một tí là thượng cẳng tay, hạ cẳng chân.


Phụ nữ chịu thiệt thòi hơn nam giới. Đấy là điều mẹ tôi dạy như thế khi tôi bước chân về nhà chồng. Tôi làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt. Vào mùa vụ, tôi chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.


Đến lúc nông nhàn, tôi lại làm phụ hồ cho chủ thầu xây dựng làng bên. Cứ tưởng rằng mình vất vả, hy sinh tất cả cho chồng cho con như thế thì sẽ được chồng yêu thương, nhưng không hề.

Cứ hôm nào đi làm về muộn mà chưa kịp cơm nước là tôi bị đánh, nhẹ thì cái tát; nặng thì bị đá với lý do không quan tâm đến chồng con. Hôm nào phải đi làm thuê từ sáng sớm, không chuẩn bị được bữa sáng, thì tối về tôi cũng bị tẩn cho đau ê ẩm mình mẩy cũng vì lý do không biết quan tâm tới gia đình. Có hôm chỉ vì không có tiền nộp học cho con đúng hạn, tôi cũng bị đánh; hôm canh mặn hay cơm khô cũng bị đánh.


Nhiều khi họ hàng nhà bên ngoại có tổ chức cưới xin cho anh em hay con cháu, tôi cũng không được đi nếu không được phép của chồng. Có lần cưới đứa em họ, tôi cứ liều mạng đi, y như rằng, chiều về, tôi bị chồng đánh cho một trận nằm bẹp ở nhà đển cả tuần mà không đi làm được với lý do chồng tôi đưa ra là tôi đú đởn, chỉ biết thân mình, để mặc cho chồng ở nhà ăn cơm một mình...

Chung sống với nhau chưa đầy 8 năm nhưng tôi chịu không biết bao nhiêu lần bị đấm đá. Lúc đầu, tôi cam chịu, không kể ra với ai, bởi “xấu chàng thì hổ ai” và lúc bình thường thì chồng tôi cũng hiền như cục đất.


Nhưng về sau này, tôi không chịu được nên tâm sự với mẹ tôi. Tưởng rằng sẽ nhận được lời đồng cảm nhưng bà vẫn nhưng lời giáo huấn cũ: “Cam chịu”, “Một điều nhịn là chín điều lành”... Như thế thì tôi biết tâm sự với ai, đến mẹ mình còn khuyên mình phải chịu đựng.

Nhìn ra ngoài, thấy người ta được chồng nâng niu, chiều chuộng, tôi ứa nước mắt vì tủi thân. Thôi thì cứ tự khuyên mình phải nhẫn nhịn chịu đựng. Nhưng chẳng lẽ tôi cứ phải sống như thế này đến hết đời hay sao?

N.T.H (Hà Nam).

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận nhưng có một điều tôi muốn nói với chị là chị không nên tiếp tục chịu đựng như vậy nữa.

“Hệ tư tưởng” cam chịu mà mẹ chị truyền lại đã ngấm sâu vào chính con người bà và hiện giờ đang ngầm dần vào chị. Người ta chỉ có thể chịu đựng đến một ngưỡng nào đó, chứ không thể chịu đựng mãi, không thể cứ mang mình ra làm bao cát cho người chồng đấm đá bất cứ khi nào anh ta muốn thể hiện uy lực.


Chị cũng không thể bao biện rằng bình thường thì anh ta cũng hiền lành, yêu vợ, thương con; rằng ông chồng nào chẳng có ít nhiều tính vũ phu... Đã đến lúc chị phải tuyên chiến với thói vũ phu của chồng.


Rất có thể khi đó, chồng chị sẽ bị sốc và anh ta sẽ càng thể hiện uy lực của mình để “lấy lại trật tự”.

Lường trước điều này, chị phải tìm cho mình một “đồng minh”. Nếu mẹ chị không đảm nhiệm được vai trò này thì chị phải tìm đến con mình, anh em, họ hàng hai bên nội ngoại; và “xa” hơn là hội phụ nữ của thôn, của xã.

Chồng chị chỉ thể hiện uy lực của mình trước vợ, chứ anh ta không dám thể hiện trước anh em, họ hàng và hội phụ nữ.

Và hãy nói cho chồng biết rằng, đánh phụ nữ không chỉ rất hèn mà có thể khiến anh ta phải ngồi bóc lịch trong tù.

Hiền Hòa.