05:09 14/05/2012

Quyết sách mới của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội

Chính phủ vừa ban hành, phê duyệt một số quyết sách về vấn đề quản lý, sử dụng đất trồng lúa; phát triển tập đoàn kinh tế vững mạnh.

Chính phủ vừa ban hành, phê duyệt một số quyết sách về vấn đề quản lý, sử dụng đất trồng lúa; phát triển tập đoàn kinh tế vững mạnh.

Nhiều cơ chế hỗ trợ cho người trồng lúa


Theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, bắt đầu từ ngày 1/7/2012, ngoài được hỗ trợ sản xuất lúa hàng năm, người sản xuất lúa còn được hỗ trợ sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.


Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70%; mức hỗ trợ là 50% khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%. Đồng thời, ngân sách nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; mức chi phí do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định. Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang.

 

Hỗ trợ 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước. Ngoài ra, sẽ ưu tiên hỗ trợ chi phí bảo hiểm sản xuất lúa theo quy định. Nghị định cũng quy định hỗ trợ ngân sách cho địa phương sản xuất lúa.


Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương từ 2012 - 2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành còn được ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để sản xuất lúa. Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.


Hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước. Việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước phải đáp ứng 3 điều kiện: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng; có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định.


Người sử dụng đất trồng lúa phải sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt; sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất. Nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm, làm thoái hóa, làm biến dạng mặt bằng của đất dẫn đến không trồng lúa được; bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ 2 năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng.

 

Phát triển TKV thành tập đoàn kinh tế vững mạnh


Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân của TKV giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6 - 7%/năm, với cơ cấu phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực.


Quyết định nêu rõ, phát triển TKV trở thành tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở sử dụng tối ưu nguồn lực sẵn có, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: Công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hóa chất và công nghiệp vật liệu xây dựng.


Về bể than đồng bằng sông Hồng, kế hoạch 5 năm 2011-2015, tập đoàn sẽ thăm dò xong một phần tài nguyên và trữ lượng than ở các khu vực có điều kiện địa chất - mỏ tương đối thuận lợi để triển khai một số dự án khai thác thử nghiệm.


Đối với bể than Đông Bắc, đầu tư cải tạo và cải tạo mở rộng, đổi mới công nghệ, nâng công suất 61 dự án mỏ hiện có; đầu tư xây dựng mới 28 dự án mỏ có công suất đến 2 triệu tấn/năm (Cẩm Phả: 10 dự án mỏ; Hòn Gai: 2 dự án mỏ; Uông Bí: 16 dự án mỏ). Bên cạnh đó, đầu tư cải tạo và mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để tăng sản lượng khai thác; đầu tư xây dựng mới dự án mỏ hầm lò để khai thác phần than phía dưới mỏ lộ thiên Khánh Hòa (Thái Nguyên).


Về công nghiệp điện, vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy nhiệt điện than hiện có, đồng thời đưa vào vận hành 6 nhà máy nhiệt điện than gồm: Nhiệt điện Cẩm Phả II công suất 330 MW, Nhiệt điện Cẩm Phả III công suất 270 MW, Nhiệt điện Mạo Khê công suất 440 MW, Nhiệt điện Đồng Nai 5 công suất 150 MW, Nhiệt điện Lý Sơn công suất 6 MW và Nhiệt điện Phú Quốc công suất 200 MW. Tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập (Nghệ An); Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng III đảm bảo đưa vào vận hành an toàn, đúng tiến độ. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án nhiệt điện than trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư hoặc mua các mỏ than ở nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn than cung cấp ổn định, lâu dài cho các nhà máy điện.