12:12 01/12/2012

Quyền của người nhiễm HIV/AIDS

Đảm bảo quyền được học tập, được làm việc, được chăm sóc và sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng của người nhiễm HIV, trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đó là cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng quốc tế...

Đảm bảo quyền được học tập, được làm việc, được chăm sóc và sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng của người nhiễm HIV, trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đó là cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng quốc tế và cũng là nội dung chính của Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2010-2020.


Quyền được làm việc và học tập


Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành y tế và các ban, ngành liên quan đã xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có quy định phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học.


Bệnh nhân AIDS có quyền được học tập và làm việc. (Ảnh minh hoạ)


Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư số 39/2009/TT-BGDĐT ngày 29/12/2009 quy định về giáo dục hòa nhập cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả việc thực hiện tiểu đề án “Xây dựng môi trường tiếp cận giáo dục cho trẻ em bị nhiễm và trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm HIV/AIDS”.


Ngay sau đó, nhiều sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các quy định về chống kì thị, phân biệt đối xử, đảm bảo quyền được học tập và làm việc của người nhiễm HIV, trong đó trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.


Theo báo cáo của 36 cơ sở giáo dục và đào tạo, đến nay đã có 293 trẻ bị nhiễm HIV, 32 giáo viên và 2 cán bộ công nhân viên bị nhiễm HIV, trong đó riêng tỉnh Cao Bằng có ít nhất 26 giáo viên, 100 học sinh; Kiên Giang có 177 học sinh. Hiện nay toàn bộ giáo viên và học sinh trong diện trên vẫn tiếp tục học tập, giảng dạy và làm việc tại các cơ sở giáo dục mà không xảy ra tình trạng bị kỳ thị và phân biệt đối xử.


Quyền được chăm sóc y tế


Công tác chăm sóc sức khỏe và khám, điều trị cho các trẻ em nhiễm HIV/AIDS được các cơ sở y tế quan tâm tích cực. Số trẻ nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV ngày càng tăng, tình trạng sức khỏe của nhiều em nhờ đó đã cải thiện rõ rệt. Tính đến 31/6/2012, số trẻ em bị nhiễm HIV được điều trị ARV là 3.567 em, tăng 25 lần so với năm 2005 khi bắt đầu triển khai chương trình.


Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được mở rộng nhằm giảm tình trạng trẻ sơ sinh lây nhiễm HIV từ mẹ. Hoạt động chẩn đoán sớm về khả năng nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi được triển khai kịp thời, làm giảm đáng kể tình trạng tử vong và chi phí điều trị.


Bên cạnh việc chăm sóc tại trung tâm bảo trợ và cơ sở điều trị HIV/AIDS, các hoạt động chăm sóc trẻ HIV/AIDS tại cộng đồng và gia đình đã được quan tâm triển khai hiệu quả hơn sau khi Bộ Y tế ra Quyết định số 1782/QĐ-BYT ngày 27/10/2010 về “Quy định chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng”. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 64% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng.


Nội dung phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép vào các môn học, các hoạt động của phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và các nội dung khác có liên quan như: giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, tư vấn và chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV, trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.


Trang bị sớm kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh


Các nội dung phòng chống nhiễm HIV/AIDS được lồng ghép tích hợp trong các môn học chính khóa như: Tìm hiểu tự nhiên (đối với cấp tiểu học), Sinh học, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý (đối với cấp cơ sở và THPT) và đưa vào các phần học tự chọn như: Dân số, Môi trường, HIV và ma túy (trong các trường cao đẳng sư phạm).


Ngoài ra, việc giáo dục phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép trong các hoạt động đầu năm học như tuần sinh hoạt công dân đầu khóa (đối với tất cả các học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp).


Đối với các trường mầm non, kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS cũng được cung cấp cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, các nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa với chủ đề giáo dục kỹ năng sống, giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng và chống HIV/AIDS, các tệ nạn ma túy, mại dâm, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV… cho học sinh.


Đồng thời, các trường cũng tích cực triển khai các mô hình câu lạc bộ, đội thanh niên, sinh viên tình nguyện, nhóm đồng đẳng, góc truyền thông, trung tâm tư vấn thân thiện... để đa dạng các hoạt động giáo dục phòng chống HIV/AIDS cho 22 triệu học sinh, sinh viên trong cả nước.



Nhật Minh