08:08 09/08/2012

Quỹ Vì nỗi đau da cam TTXVN- Chung tay hàn gắn những nỗi đau

Là cơ quan báo chí đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân... việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là ý nguyện, tình cảm tự nhiên của tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN.

Hơn 80 triệu lít hóa chất mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người dân vô tội. Và khi chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, một trong những hậu quả nặng nề nhất là vấn đề chất độc da cam/điôxin.


Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp tích cực trong việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ cho các nạn nhân chất độc da cam vẫn còn nhiều bất cập.


Hầu hết các gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin đang sống trong tình trạng rất nghèo. Không ít gia đình sinh con dị tật, nhưng vẫn cứ tiếp tục sinh con chỉ vì họ khát khao và hy vọng sẽ sinh được đứa con lành lặn, bình thường...


Ông Vũ Quốc Khánh (trái), Giám đốc Quỹ Vì nỗi đau da cam thuộc TTXVN thăm và trao quà cho gia đình cựu chiến binh Nguyễn Hữu Luận, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tham gia chiến trường Quảng Trị, có con bị di chứng chất độc da cam/điôxin. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN.


Là cơ quan báo chí đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, gắn bó với đất nước trong quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng Tổ quốc, chịu nhiều hy sinh trong chiến tranh với trên 260 liệt sĩ ngã xuống trên các chiến trường, việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là ý nguyện, tình cảm tự nhiên của tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN.


Phát huy và kế thừa cha anh đi trước, TTXVN đã thực hiện rất nhiều hoạt động mang ý nghĩa xã hội lớn lao và nhân đạo sâu sắc. Sự ra đời và hoạt động của Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN năm 2006 là một trong những hoạt động điển hình.


Sau 6 năm, Quỹ đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, quyên góp, nhiều chuyến đi trao quà trực tiếp tới các nạn nhân trên khắp các vùng miền đất nước. Quỹ đã quyên góp được hơn 4,8 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều hiện vật như 110 xe lăn, 8 thùng thuốc bổ dưỡng, đồ dùng sinh hoạt… từ sự ủng hộ nhiệt thành và tận tâm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.


Quỹ cũng đã đến thăm hỏi trực tiếp, tặng quà bằng tiền cũng như hiện vật như bò sinh sản, xe lăn, thuốc bổ dưỡng, thiết bị nha khoa và máy vi tính cho khoảng 3.100 nạn nhân.


Đặc biệt, Quỹ đã và đang xây dựng được hơn 40 nhà tình thương để tặng nạn nhân chất độc da cam tại một số tỉnh như Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Trị...


Bên cạnh đó, Quỹ đã ủng hộ một số tổ chức như Hội Nạn nhân chất độc da cam Hà Nội, Trung tâm Giáo dục người tàn tật tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bình Thuận, Làng Hòa Bình - Thanh Xuân (Hà Nội), Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị, Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Trung tâm Nghệ thuật tình thương, TT Dạy nghề Người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An, Quỹ “Sơn Lâm và những người bạn”… Đồng thời Quỹ còn tham gia thông tin tuyên truyền thông qua ấn phẩm báo chí, sách ảnh của TTXVN về chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam...


Ngoài các hoạt động từ thiện cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin, Quỹ còn được sự ủy quyền của các nhà hảo tâm để chuyển tiền cho Hội Hỗ trợ người khuyết tật VN, Quỹ Khuyến học thị xã Sầm Sơn, Quỹ Vì người nghèo tỉnh Thanh Hóa, Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng và Hội Bảo trợ giúp người tàn tật Việt Nam - VNAH, Báo Quân đội Nhân Dân, Hội Nạn nhân chất độc da cam VN…


Trong dịp kỷ niệm 51 năm Ngày thảm họa da cam/điôxin (10/8) này, Quỹ đã trao tặng quà tại 18 tỉnh, thành, cho hơn 120 nạn nhân, với số tiền 100 triệu đồng, trao tặng 11 căn nhà tương đương 340 triệu đồng cho 11 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn ở một số tỉnh, thành trên cả nước và tặng xe lăn cho một số nạn nhân ở Hà Nội và Hải Dương...


Với những hoạt động tích cực và hiệu quả, Quỹ đã tạo nên những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân, góp phần cùng toàn xã hội chung tay vì nạn nhân chất độc da cam. Những hoạt động này của TTXVN đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ghi nhận: TTXVN là một trong những đơn vị tham gia nhiều và sâu rộng nhất của Việt Nam trong công tác hỗ trợ và vận động giúp đỡ đối với các nạn nhân da cam.


Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, đến nay các nạn nhân chất độc màu da cam/điôxin là những người chịu đau thương mất mát nhất sau chiến tranh, là những người cần giúp đỡ nhất trong những người cần giúp đỡ. Có chứng kiến tận mắt nỗi khổ tâm mà những nạn nhân chất độc da cam đang từng ngày phải gánh chịu, mới hiểu họ mong chờ và hy vọng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội như thế nào.


Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện mọi biện pháp nhằm giảm bớt hậu quả do chất độc da cam gây ra. Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vừa là trách nhiệm vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Chung tay chia sẻ và làm vơi đi phần nào nỗi đau đối với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin là việc làm thiết thực đã và đang được nhân dân trên cả nước nói chung và cán bộ công nhân viên TTXVN nói riêng tích cực tham gia.



Lê Sơn