08:10 02/08/2011

Quy trình quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn

Nhằm giúp nhà vườn ngăn chặn bệnh chổi rồng lây lan nhanh trên nhãn, giảm thiểu thiệt hại, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã đưa ra quy trình quản lý căn bệnh này bằng các giải pháp tổng hợp, kết hợp giữa giống, biện pháp canh tác, biện pháp cơ học, biện pháp hóa học...

Nhằm giúp nhà vườn ngăn chặn bệnh chổi rồng lây lan nhanh trên nhãn, giảm thiểu thiệt hại, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã đưa ra quy trình quản lý căn bệnh này bằng các giải pháp tổng hợp, kết hợp giữa giống, biện pháp canh tác, biện pháp cơ học, biện pháp hóa học...

Qua nghiên cứu, khảo nghiệm, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam hướng nông dân tới việc sử dụng giống tốt, đặc biệt là giống nhãn xuồng cơm vàng có khả năng chống chịu tốt bệnh chổi rồng, giá trị kinh tế cao. Trong quá trình chăm sóc, cần bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón nhiều đạm khiến lá phát triển mạnh, vô tình tạo điều kiện để nhện lông nhung sinh sôi gây hại. Nhà vườn cũng cần tiến hành cắt tỉa cành nhánh sau thu hoạch, giúp cây thông thoáng và ra nhiều chồi lá mới, sung sức. Đối với những cây nhiễm bệnh, cần cắt tỉa và loại bỏ hết cành nhánh bị chổi rồng, gom lại và tiêu hủy đồng loạt trong toàn khu vực nhiễm bệnh. Bà con cũng cần phun thuốc trừ nhện lông nhung định kỳ, sử dụng luân phiên nhiều loại thuốc khác nhau để tránh tình trạng nhện lông nhung kháng thuốc...

Chổi rồng được xác định là bệnh nguy hại nhất trên cây nhãn. Triệu chứng khi cây nhiễm bệnh biểu hiện như sau: Các lá, chồi non và trên hoa không phát triển bình thường mà mọc thành từng chùm, cụm lại như bó chổi nên nhà vườn thường gọi là chổi rồng hoặc hoa tre, chổi xể, tổ rồng... khiến cho khả năng đậu trái kém và trái phát triển bất thường, chất lượng giảm hẳn. Bệnh chổi rồng được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam xác định có liên quan mật thiết với sự hiện diện và gây hại của loài nhện lông nhung Eriophyes dimocarpi. Khảo sát của Viện cho thấy mật độ lây lan và tỉ lệ nhiễm bệnh trên các vườn nhãn ở phía Nam rất cao. Ở Đồng Tháp, Tiền Giang, nhiều vườn nhãn có tỉ lệ nhiễm bệnh lên đến 80 - 90%; còn ở Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai) tỉ lệ nhiễm bệnh từ 70 – 100%, năng suất giảm 85 – 99%; ở Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) 75 – 95% số cây trong vườn bị nhiễm, năng suất giảm từ 80 - 98%.

Minh Trí