06:12 11/06/2015

Quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu

Thực tế triển khai Quy hoạch phát triển dược liệu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại một số địa phương vùng Tây Bắc, cho thấy cần có những giải pháp lâu dài.

Thực tế triển khai Quy hoạch phát triển dược liệu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại một số địa phương vùng Tây Bắc, cho thấy cần có những giải pháp lâu dài.

Trong một thời gian dài, do thiếu sự khảo sát đánh giá, điều tra và bảo vệ nên vùng phân bố tự nhiên của nhiều loại cây thuốc ở Tây Bắc bị suy giảm nghiêm trọng.

Phát triển những loài có lợi thế

Hiện nay cả nước có 144 loài cây thuốc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn. Nhiều vùng rừng Tây Bắc có cây thuốc phong phú nay đã hoàn toàn bị phá bỏ như: khu vực núi Hàm Rồng huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; cao nguyên An Khê thuộc hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh..., thậm chí nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng.

Diện tích thảo quả phát triển mạnh nhất ở các huyện vùng cao các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu...



Muốn khai thác được thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên để sản xuất các hóa dược thiên nhiên và dẫn xuất phục vụ cho công nghiệp dược, cần có định hướng và quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nguyên liệu cho sản xuất hóa dược.

Ông Phùng Hà, nguyên Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu sẽ tập trung vào những loài cây, con mà Việt Nam có thế mạnh như: Thanh hao hoa vàng, hoa hòe, dừa cạn, bình vôi, bạc hà, tỏi, gấc, nghệ, bồ bồ, mướp đắng, nhân trần, đậu tương, hương nhu, ngũ sắc, gừng, ích mẫu, cúc gai, cúc vạn thọ, lô hội, trinh nữ hoàng cung, quế, hồi, màng tang, ba kích, sen, ngũ gia bì, vàng đắng, hoàng liên gai… Theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 có tám vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường; trong đó có vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ) phát triển trồng 13 loài dược liệu bao gồm bốn loài bản địa: Bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn và chín loài nhập nội: Actisô, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, hoàng bá, mộc hương, ô đầu, tam thất, xuyên khung với diện tích trồng khoảng 2.550 ha. Ưu tiên phát triển các loài actisô, đương quy, đảng sâm…

Hiện nay, đã khảo sát, đề xuất triển khai xây dựng một số vườn quốc gia và đến năm 2020 bảo tồn được 50% số loài dược liệu và đến năm 2030 bảo tồn được 70% tổng số loài dược liệu Việt Nam. Quy hoạch vùng nguyên liêu cần ưu tiên việc tạo dựng nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng để cung cấp cho các nhà máy chiết xuất. Tránh tình trạng thu mua dược liệu mọc hoang nhỏ lẻ và việc trồng trọt phân tán vì điều này sẽ làm giảm chất lượng dược liệu và tăng giá thành sản xuất.

Những giải pháp lâu dài

Ông Phùng Hà cho rằng cần sớm khắc phục tình trạng chồng chéo quản lý giữa các bộ, ngành, thiếu phối hợp Trung ương - địa phương, chưa có đầu mối để điều phối chung. Công tác quy hoạch cần có cái nhìn tổng thể để bảo tồn, phát triển bền vững các vùng dược liệu trọng điểm. Tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa, kiểm tra chất lượng từ nguyên liệu đến thành phẩm. Để tránh hiện tượng khai thác cạn kiệt, cần thực hiện sớm chương trình bảo vệ đồng thời với việc phát triển các nguồn gen quý hiếm. Cần cụ thể hóa các quy định về điều kiện bán buôn, bán lẻ thuốc, xuất nhập khẩu (GPP, GDP, GSP) để áp dụng cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ dược liệu. Ngăn ngừa có hiệu quả việc nhập lậu dược liệu không đạt tiêu chuẩn, dược liệu chất lượng kém từ biên giới, nhập khẩu không kiểm soát đã khiến doanh nghiệp kinh doanh dược liệu trong nước khốn khó. Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, bón phân, thu hoạch... Hiện đại hóa khâu thu hái, sơ chế để đảm bảo phẩm cấp nguyên liệu, đầu tư thiết bị kiểm tra chất lượng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phân cấp nguyên liệu phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đối với cây dược liệu cần lồng ghép phát triển vùng nguyên liệu với các chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Khuyến khích nông dân đưa các giống cây dược liệu vào sản xuất đại trà kết hợp với thâm canh, mở rộng diện tích gieo trồng phát triển thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn. Tăng cường hợp tác giữa các đơn vị sản xuất nguyên liệu với chính quyền địa phương và các hộ nông dân. Cần sự chỉ đạo có định hướng của các cơ quan liên ngành để tránh đầu tư theo phong trào như đã từng xảy ra hoặc thiếu kỹ thuật nuôi trồng - canh tác dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư hoặc gây thiệt hại cho người nông dân.

Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các viện, công ty nguyên liệu để có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm và nhân giống mới nhằm phát triển vùng nguyên liệu tự nhiên có chất lượng cao. Nhà nước có chính sách ưu đãi cho việc đầu tư nuôi, trồng dược liệu tại các vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo như: Xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, cho vay vốn lãi suất ưu đãi... Trước mắt cần thực hiện việc quy hoạch vùng dược liệu, lựa chọn một số loại cây thích hợp có hiệu quả kinh tế cao, dựa trên yếu tố thị trường của sản phẩm, gắn chặt việc trồng với việc chế biến dược liệu theo các điều kiện và tiêu chuẩn được kiểm soát nghiêm ngặt, cần nắm được khả năng cung ứng thực tế. Nhà nước cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đột phá, tạo đầu ra cho dược liệu và các sản phẩm thuốc từ dược liệu, tạo cơ chế gắn kết giữa cung và cầu, trước mắt cần có hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu dược liệu.
Thái Bình