02:01 18/02/2023

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá giai đoạn 2021-2025

Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”.

Trong những năm qua, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và những cơ quan liên quan đã nghiêm túc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch nông thôn mới (NTM), xây dựng NTM đã đạt được thành tựu to lớn trong những năm qua làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, tại các địa phương việc triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt việc bảo vệ, phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Để khắc phục những hạn chế trên, một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai là nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức (CBCC) quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện xã, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM, bởi đội ngũ CBCC huyện, xã có vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã nói riêng.

Tại Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021-2025 đã được tổ chức ngày 17/2 tại Hải Phòng, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra định hướng, nội dung, giải pháp đẩy mạnh đô thị hóa khu vực nông thôn; đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực. Các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện được xác định chủ yếu là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đời sống và sản xuất. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có quy mô cho sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện gắn kết với phát triển công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ sản xuất. Từng bước dịch chuyển hình thức canh tác của người nông dân sang hình thức canh tác công nhân nông nghiệp. 

Hiện nay, số lượng đô thị tùy thuộc vào mức độ phát triển và lãnh thổ của từng huyện. Các đô thị này thường phân bố theo các tiểu vùng trong huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô ở các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên, được xây dựng có điều kiện sống như điều sống người dân đô thị. Các điểm này được gắn kết với làng nghề, điểm du lịch trong Chương trình OCOP, nhằm hỗ trợ cùng nhau phát triển và góp phần đẩy nhanh đô thị hóa khu vực nông thôn.

Chú thích ảnh
TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) khẳng định: Cần hoàn thiện thể chế, chính sách bồi dưỡng CBCC huyện, xã đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.

Theo TS. Trần Hữu Hà, trên cơ sở các quy định của Chính phủ và Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và có chế độ khuyến khích CBCC xã nâng cao trình độ, năng lực công tác để đáp ứng trực tiếp yêu cầu, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực được phân công. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã, bảo đảm đáp ứng đủ tiêu chuẩn CBCC cấp xã theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, cần có quy định và hướng dẫn xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã phù hợp. Nội dung chương trình, tài liệu bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, kiến thức, kinh nghiệm, tránh trùng lắp với các chương trình, tài liệu khác và phải bổ sung, cập nhật phù hợp tình hình thực tế; chú ý bồi dưỡng kỹ năng giải quyết các tình huống thực tế, nhất là đối với CBCC xã là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi thuộc các đối tượng đặc thù cần có chương trình bồi dưỡng thích hợp, hiệu quả. 

Ngoài ra, trong giai đoạn tiếp theo của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cần tiến hành xây dựng những mô hình NTM kiểu mẫu gắn với đặc thù từng vùng, miền, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn nông thôn. Các tỉnh, huyện cần xem xét, khảo sát kỹ, lựa chọn những khu vực phù hợp để triển khai mô hình NTM kiểu mẫu. Khu dân cư và vườn NTM kiểu mẫu nên được đánh giá theo các tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; bảo tồn không gian nông thôn truyền thống theo vùng, miền; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Thanh Vân/Báo Tin tức