04:10 09/04/2011

Quy hoạch xây dựng các bến xe cửa ngõ TP.HCM: Cần thực hiện đồng bộ

Đưa các bến xe ra ngoại thành là chủ trương lớn của TP.HCM, đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo sớm thực hiện nhằm giảm tải lưu lượng xe vào khu vực trung tâm.

Đưa các bến xe ra ngoại thành là chủ trương lớn của TP.HCM, đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo sớm thực hiện nhằm giảm tải lưu lượng xe vào khu vực trung tâm. Tuy nhiên, song hành với việc xây dựng các bến xe, các tuyến đường giao thông và vận tải hành khách công cộng cũng phải sớm triển khai để phát huy hiệu quả.

Hệ thống bến xe bao quanh thành phố

Theo quy hoạch đến năm 2015, trên địa bàn TP.HCM có thêm 4 bến xe mới với diện tích khoảng 79 ha, gấp 3 lần diện tích các bến hiện tại. Ngoài bến xe Suối Tiên và bến xe Tân Quý Tây, thành phố cũng sẽ xây dựng bến xe Xuyên Á (huyện Hóc Môn) với diện tích 24 ha để phục vụ hành khách đi Campuchia và Tây Ninh. Riêng bến xe Long Trường - sông Tắc (quận 9) với diện tích 19 ha sẽ bám trục cao tốc Long Thành - Dầu Giây, phục vụ hành khách đi các tuyến miền Trung, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng...

Trong số này, hai bến xe Suối Tiên (thay thế bến xe Miền Đông) và bến xe Tân Quý Tây (thay thế bến xe Miền Tây) đang được Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) gấp rút tiến hành các thủ tục pháp lý, đền bù giải tỏa để triển khai theo đúng kế hoạch yêu cầu của UBND TP. Việc xây dựng hai bến xe mới là để thay thế cho hai bến xe cũ đang quá tải nhằm mục đích đưa các bến xe liên tỉnh ra ngoại thành, kết nối với các tuyến metro đã và sắp triển khai trong tương lai, phù hợp với quy hoạch giao thông của TP.HCM. Trong đó, Bến xe Suối Tiên nằm trên địa bàn quận 9 có diện tích 16 ha (trong đó 3,7 ha thuộc địa phận tỉnh Bình Dương), khi hoàn thành sẽ kết nối với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để khai thác tối đa hiệu quả tại nhà ga cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng. Riêng bến xe Tân Quý Tây có diện tích 14,8 ha, dự kiến sẽ kết nối với tuyến xe điện mặt đất số 1 Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây. Cả hai bến xe này có quy mô rộng gấp 3 - 4 lần các bến xe cũ, được xây dựng theo tiêu chuẩn văn minh - hiện đại, khách đến bến không chỉ đi xe mà còn có thể mua sắm, tham quan, ăn uống và nghỉ ngơi.

Bến xe Miền Đông luôn trong tình trạng quá tải.


Khi hai bến xe mới đi vào hoạt động, hành khách sẽ không còn lo ngại việc phải chen lấn hay phải chờ đợi quá lâu để có được tấm vé trong những ngày cao điểm lễ Tết, vì nhà ga bến xe mới có diện tích đến 7.000 m2. Điều kiện di chuyển đến bến xe, hay xe ra vào bến mới sẽ nhanh và thông thoáng hơn so với bến cũ, không còn cảnh hành khách phải lo kẹt xe, trễ giờ.

Lo ngại hạ tầng giao thông chưa kết nối

Hai bến xe khách liên tỉnh lớn nhất TP.HCM hiện nay là Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây phục vụ vận chuyển hành khách đi lại trên tuyến TP.HCM và các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL đều đã quá tải. Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết khi lượng khách tăng cao, hàng trăm xe khách phải dạt ra bên ngoài đậu nhờ ở các trục đường lân cận chờ đến lượt vào bến rước khách.

Mặc dù rất quyết tâm thực hiện hai dự án bến xe trên theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, nhưng chủ đầu tư dự án là Samco cũng không khỏi lo lắng khi các dự án giao thông công cộng lớn vẫn chưa triển khai. Điều này gây lo ngại tình trạng khi bến xe làm xong nhưng không đưa vào khai thác được, chẳng hạn như các công trình trọng điểm cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, hay cảng Phú Định... “vắng bóng người” đã và đang gây sự lãng phí và bất bình trong dư luận thời gian qua.

Hơn nữa, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, được khởi công từ năm 2008 nhưng tiến độ rất chậm. Ngoài việc khởi công gói thầu số 4 là trạm depot tại quận 9, các gói thầu còn lại vẫn chưa động tĩnh gì, trong khi công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, khu vực quận 1 hiện mới chỉ có 7/10 cơ quan và 18/18 hộ dân đã bàn giao mặt bằng; quận Bình Thạnh có 166 hồ sơ, trong đó có 4 cơ quan đã hoàn tất công tác đền bù khoảng 295 tỷ đồng; quận 9, tổng giá trị bồi thường khoảng 140 tỷ đồng, phần depot Long Bình đã hoàn tất đền bù và đã san lấp mặt bằng, còn lại 16 hộ dân đoạn tuyến ngoài ranh xa lộ Hà Nội đang thực hiện. Riêng đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh Bình Dương đang tiến hành kiểm kê, lập phương án bồi thường, tái định cư.

Dự tính ban đầu tuyến metro số 1 kết nối Bến xe Suối Tiên và trung tâm thành phố hoàn thành vào cuối năm 2014 và đưa vào chạy thử trước đó sáu tháng, đến đầu năm 2015 sẽ chính thức khánh thành, đưa vào khai thác. Thế nhưng, thực tế hiện nay Sở Giao thông Vận tải thành phố đã xác định phải đến sau năm 2016 mới có thể hoàn thành tuyến metro số 1. Như vậy Bến xe Suối Tiên dù có xong cũng rất khó đông khách.

Tương tự, ở tuyến metro số 3a (dài 12,14 km, hướng tuyến từ Bến Thành - Tân Kiên, Bình Chánh) hiện mới có nhà đầu tư đề nghị đầu tư, nên chưa biết rõ ngày nào hoàn thành.

Việc đưa các bến xe ra ngoại thành là phù hợp quy hoạch chung của TP.HCM, nhu cầu đi lại ngày càng nhiều và cần phải có những bến xe quy mô, hiện đại để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tính đến nhu cầu vận chuyển của người dân vào khu vực trung tâm TP.HCM ngoài metro. Ngành GTVT cần phải tính đến các phương tiện khác rẻ hơn vì đa phần người dân đi xe khách là người thu nhập thấp, nếu như giá vé metro quá cao thì họ không thể đáp ứng nổi. Và khi đó lại xuất hiện xe ôm, xe dù, bến cóc... bắt chẹt hành khách vào những ngày cao điểm, dẫn đến tình trạng không quản lý và khó kiểm soát nổi.

Sĩ Dũng