05:06 27/05/2014

Quy hoạch trạm dừng nghỉ dọc đường Hồ Chí Minh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến sẽ huy động các doanh nghiệp góp vốn gần 5.800 tỷ đồng để xã hội hóa đầu tư xây dựng 57 trạm dừng nghỉ dọc đường Hồ Chí Minh, nhằm thu hút phương tiện vận tải chạy đường dài lựa chọn tuyến đường này.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến sẽ huy động các doanh nghiệp góp vốn gần 5.800 tỷ đồng để xã hội hóa đầu tư xây dựng 57 trạm dừng nghỉ dọc đường Hồ Chí Minh, nhằm thu hút phương tiện vận tải chạy đường dài lựa chọn tuyến đường này.


30 - 50 km sẽ có 1 trạm


Tuyến đường Hồ Chí Minh hiện đã đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội đến Kon Tum. Tuy nhiên, toàn tuyến vẫn đang trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác, nên việc quy hoạch xây dựng các trạm dừng nghỉ chưa làm được. Đây chính là lý do khiến các dịch vụ trên tuyến đường này còn thiếu, khó thu hút các doanh nghiệp vận tải khai thác, nhất là vận tải hành khách. Hiện nay, chỉ có một số đoạn tuyến chạy qua khu vực đông dân cư có trạm bán xăng dầu, nhưng cũng chưa có trạm dừng nghỉ.

Trạm dừng nghỉ đường bộ qua tỉnh Hòa Bình. Ảnh:Huy Hùng


Trước thực tế này, để tạo ra hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải lựa chọn tuyến đường, đảm bảo việc vận hành liên tục, an toàn và dịch vụ tốt nhất cho các chủ xe, lái xe khi toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) - Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km hoàn thành, khai thác trong tương lai, Bộ GTVT vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng 57 trạm dừng nghỉ dọc tuyến đường, với tổng diện tích 326 ha, có tổng vốn đầu tư 5.790 tỷ đồng.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Quy hoạch trạm dừng nghỉ sẽ gắn với các địa phương, với khoảng cách từ 30 - 50 km sẽ bố trí một trạm. Việc quy hoạch này sẽ giao cho các tỉnh lựa chọn vị trí theo cung đường, để đáp ứng được mặt bằng thuận lợi, không nằm trong khu dân cư, hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng và lợi dụng địa hình san lấp thuận lợi nhất, cũng như gắn được với các địa điểm du lịch, cảnh quan.


Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng trạm mẫu có đủ các dịch vụ, gồm: Trạm xăng dầu, nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ cho chủ xe, lái xe, trạm đón, trả khách thành một tổ hợp. Các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An... hiện đã có doanh nghiệp đăng ký góp vốn đầu tư theo mô hình này.


Nhiều cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp


Tuyến đường Hồ Chí Minh sắp được nối thông từ Cao Bằng đến Cà Mau. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong thời gian đầu, Bộ GTVT sẽ trợ giúp cho các doanh nghiệp đầu tư trạm nghỉ về cơ chế chính sách, hỗ trợ về mặt kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, bởi nếu đầu tư mà bị lỗ thì sẽ không thu hút doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp hiện cũng đã có đề nghị được tham gia theo hướng này.

Mô hình trạm dừng nghỉ đường bộ trong tương lai. Ảnh:Huy Hùng


Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, quy hoạch xây dựng các trạm dừng nghỉ sẽ dựa trên nguyên tắc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn đầu tư. Vì vậy, Bộ GTVT đã đề xuất với các địa phương cho thuê đất theo mức giá đất nông nghiệp để các doanh nghiệp góp vốn có điều kiện xây dựng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ được quyền kinh doanh thu hồi vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), để bù đắp việc Nhà nước không đầu tư.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết: Trạm dừng nghỉ là một phần của kết cấu hạ tầng. Song, qua thực tế đến nay cho thấy, nên cho tư nhân đầu tư quản lý kinh doanh để đạt hiệu quả cao. Muốn vậy, cách tốt nhất là kêu gọi các doanh nghiệp lớn chạy xe trên tuyến tham gia xây dựng trạm dừng nghỉ. Vai trò của Nhà nước là công bố quy hoạch, ban hành quy chuẩn quốc gia, các chính sách ưu đãi...

 

Việc đầu tư các trạm dừng nghỉ được phân kỳ theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I từ năm 2014 - 2020 sẽ xây dựng từ 10 - 20 trạm tại các khu vực có mật độ giao thông lớn, xa đô thị. Các trạm dừng nghỉ có quy mô lớn 160 tỷ đồng/trạm, được xây dựng trên tuyến tại thị xã Sơn Tây - Xuân Mai (Hà Nội), huyện Thạch Quảng (Thanh Hóa), thị xã Thái Hòa (Nghệ An), huyện Phong Nha (Quảng Bình), huyện Trạm Tuần (Thừa Thiên - Huế), huyện Mũi Trâu - Túy Loan (Đà Nẵng), TP Pleiku (Gia Lai), TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), huyện Đăk Song (Đăk Nông), huyện Đồng Xoài - Chơn Thành (Bình Phước), huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Đất Mũi (Cà Mau).


Tiến Hiếu