06:17 24/06/2015

Quy hoạch quốc lộ cần có tầm nhìn tương lai

Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ đã và đang diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong cả nước.

Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ đã và đang diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong cả nước, thậm chí nhiều tuyến đường vừa mới đưa vào sử dụng đã có dân bám hai bên đường để làm ăn, sinh sống.

Nguyên nhân là do thực hiện quy hoạch hay sự giám sát, quản lý của chính quyền địa phương còn chưa tốt. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, việc xuất hiện tình trạng trên có thể do “cái khó bó cái khôn” nên người dân còn eo hẹp về chỗ ở, hay vì cuộc sống mưu sinh khiến người dân bất chấp coi thường tính mạng của bản thân mới vi phạm pháp luật.

Dự án giao thông, một con đường nào đó đều được xây dựng trên các quy hoạch và đều có các tiêu chí; trong đó có tiêu chí đảm bảo an toàn giao thông, nhưng do ý thức người dân và chính quyền quản lý chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc xử lý các vi phạm chưa được kịp thời.

Ví dụ như có một người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ nhưng chính quyền sở tại không kịp thời xử lý dẫn đến nhiều người dân lấn chiếm và đến lúc chính quyền địa phương không thể xử lý được. Giống như “vòi bạch tuộc” lây lan rất nhanh.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ một phần do điều kiện, sinh hoạt ăn ở của họ còn khó khăn.

Ngoài nguyên nhân khó khăn do “lịch sử” để lại, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông còn do tâm lý muốn “cận lộ” để làm ăn, buôn bán đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nên lực lượng chức năng hôm nay dẹp được chỗ này mai họ lại chạy sang chỗ khác hoặc lúc có lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý thì họ chấp hành nhưng sau khi lực lượng chức năng đi rồi thì đâu lại vào đó.

Ngay tại Hà Nội, hành lang dành cho tàu hỏa có nhiều đoạn rất nguy hiểm người dân vẫn bám trụ dọc hành lang này. Rõ ràng việc bám đường như vậy liên quan đến việc mưu sinh, việc ra mặt đường cũng liên quan đến quy hoạch đô thị.

Ở nhiều nước trên thế giới việc kinh doanh, sinh hoạt dọc các tuyến đường rất hạn chế, họ đã gom thành những khu mua sắm tiện lợi. Còn với Việt Nam có thể xây dựng nhiều khu dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ với đầy đủ tiện nghi cung cấp dịch vụ từ xăng dầu đến hàng hóa… giá cả phải chăng, người tham gia giao thông sẽ không dừng ven đường làm gì.

Để lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, biện pháp đầu tiên chính là sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, tránh tình trạng ký cam kết rồi buông xuôi, không kiểm tra đôn đốc.

Cùng với công tác cưỡng chế giải tỏa, các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Có như vậy mới huy động được sự ủng hộ của cả xã hội trong công tác bảo vệ, giữ gìn hành lang an toàn đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) đánh giá, quy hoạch giao thông của Việt Nam còn thiếu tầm nhìn, hay nói cách khác là tầm nhìn không xa.

Các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đến đường liên xã, thậm chí liên thôn cần có tầm nhìn rộng hơn. Phải quy hoạch một quốc lộ bao nhiêu làn xe là đủ và có tầm nhìn về sự phát triển của đất nước mới quy hoạch đúng được.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Bên cạnh đó, về hành lang an toàn giao thông hai bên đường, Việt Nam nên tham khảo một số nước bởi các nước không bao giờ cho phép dân xây dựng nhà sát đường quốc lộ.

Trong khi đó, ở Việt Nam đường mở đến đâu dân bám đến đó, điều này rất rủi ro và mất an toàn cho cả người tham gia giao thông và cho cả người dân sống ở hai bên đường.

Khẳng định khi kinh tế phát triển, muốn mở rộng đường hơn là rất khó khăn và tốn kém, đại biểu Bùi Thị An đề nghị trong quy hoạch tổng thể các tuyến quốc lộ cần có tầm nhìn cho 10 năm, 20 năm, thậm chí xa hơn.

Đặc biệt, những tuyến đường đã có quy hoạch hai bên về hành lang an toàn cần phải đảm bảo không một ai, một cá nhân nào có thể xây dựng trái phép trong hành lang an toàn giao thông. Có như vậy, mới đảm bảo tính mạng cho nhân dân, tiết kiệm ngân sách nhà nước khi thực hiện mở đường sau này.

Với những tuyến giao thông huyết mạch của đất nước có lưu lượng giao thông cao nhà nước cần dứt khoát phải giải tỏa, dù có mất nhiều tiền cũng phải thực hiện. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải cần phải rà soát quy hoạch tổng thể hành lang an toàn giao thông cho hệ thống đường quốc lộ, dù có khó nhưng cũng phải làm.

Trước tiên là cần phối hợp với chính quyền địa phương, người dân để giải tỏa những đoạn, khu vực mà mức độ mất an toàn giao thông cao. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền những rủi ro người dân sống có thể gặp phải khi sống quá sát các tuyến đường.

Đại biểu Trương Văn Vở (Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) nhìn nhận, câu chuyện vi phạm hành lang an toàn giao thông các tuyến đường hiện nay nằm ở vấn đề quy hoạch.

Khiếm khuyết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy hoạch; trong đó có quy hoạch giao thông của chính quyền địa phương. Mặc dù Luật đã quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp nhưng thiếu một nhiệm vụ quyền hạn là tăng cường thanh tra, kiểm tra của bộ, ngành.

Theo đại biểu Trương Văn Vở, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra quy hoạch rất quan trọng, nhưng việc thanh tra, kiểm tra đối với địa phương và trách nhiệm của ngành, của bộ chủ quản tới đâu cần phải làm rõ hơn. Trong khi đó, quy hoạch ngành giao thông đều có quy định về hành lang an toàn giao thông đường bộ, còn trách nhiệm quản lý hành lang này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Nếu địa phương nào không làm tốt cần có sự quan tâm, thanh kiểm tra để nhắc nhở, chỉ đạo của ngành đối với địa phương. Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, vấn đề nào thuộc bộ, ngành, vấn đề nào thuộc địa phương bởi bộ, ngành chỉ quản lý nhà nước theo quy hoạch, chiến lược dài hạn, còn tổ chức thực hiện là do các địa phương có trách nhiệm thực hiện quy hoạch đó chứ không chỉ riêng ngành giao thông.

Cùng với đó, các bộ, ngành quản lý nhà nước cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện quy hoạch đó tại địa phương. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như Luật Tổ chức Chính phủ cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, đối với bộ, ngành là thanh tra, kiểm tra.

Đối với địa phương cần tổ chức thực hiện quy hoạch theo ngành, như thế thì mới đảm bảo được các vấn đề đã được thực hiện theo quy hoạch; trong đó có quy hoạch về hành lang an toàn giao thông đường bộ.


Toàn Xuyên (TTXVN)